Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Hướng tới mục tiêu các trường không có học thêm, dạy thêm

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Hướng tới mục tiêu các trường không có học thêm, dạy thêm
2 giờ trướcBài gốc
Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực từ ngày 14/2. Ngay sau khi ban hành, nhiều điểm mới tại Thông tư đang nhận được sự quan tâm lớn từ giáo viên, học sinh cả nước. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã có trao đổi về vấn đề này.
PV: Thưa Thứ trưởng, Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm được Bộ GD-ĐT ban hành và ngày 14/2/2025 sẽ chính thức có hiệu lực. Với một vấn đề được xã hội quan tâm như “dạy thêm, học thêm”, Bộ GD-ĐT đã xây dựng và ban hành Thông tư 29 dựa trên những quan điểm, nguyên tắc nào?
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Từ năm 2012 đến 2024, quy định dạy thêm học thêm được thực hiện theo Thông tư số 17/2012/TT-BGD-ĐT ngày 16/5/2012 và Quyết định số 2499/QĐ-BGD-ĐT ngày 26/8/2019 bãi bỏ một số nội dung của Thông tư số 17/2012/TT-BGD-ĐT ngày 26/8/2019.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng
Hoạt động dạy thêm, học thêm là hoạt động phức tạp, phạm vi cả trong và ngoài nhà trường, nhu cầu lớn trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển nên văn bản đã tồn tại được hơn một thập kỷ chưa đủ chế tài quản lý. Ngày 10/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 41/TTg-QHĐP giao Bộ GD-ĐT xây dựng và ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 17 về dạy thêm, học thêm.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và yêu cầu thực tế, Bộ GD-ĐT đã nghiên cứu và ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGD-ĐT ngày 30/12/2024 quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm được xây dựng lần này với 5 quan điểm và nguyên tắc.
Thứ nhất, để thực hiện Luật Giáo dục năm 2019, các quy định của pháp luật khác có liên quan và phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương trong công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Đồng thời thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 41/TTg-QHĐP ngày 10/01/2024.
Thứ hai, quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm, chứ “không cấm”. Quy định rõ những hoạt động dạy thêm, học thêm nào đúng quy đinh; hoạt động nào không đúng quy định để chính quyền các cấp, các tổ chức cá nhân và toàn xã hội tham gia giám sát, kiểm tra, thanh tra trong quá trình tổ chức thực hiện, vì vậy Thông tư lần này đã bổ sung các các lực lượng (chính quyền các cấp, tổ chức cá nhân có liên quan) cùng tham gia quan lý hoạt động này.
Thứ ba, việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm không ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường; không ảnh hưởng tới việc thực hiện chương trình môn học của giáo viên.
Thứ tư, tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm lợi ích của học sinh, không ép buộc; giữ gìn hình ảnh và sự tôn nghiêm của nhà giáo.
Thứ năm, dạy thêm, học thêm phải phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thay đổi căn bản từ chương trình định hướng nội dung sang chương trình định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Hình thành phẩm chất, năng lực qua cả quá trình học và hoạt động giáo dục. Học sinh được phát huy tính chủ động, sáng tạo, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng; hình thức tổ chức dạy học được đa dạng hóa, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Phương thức thi, kiểm tra đánh giá chất lượng đã được chuyển dần từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất của người học; đo lường được sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học tập và mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của các môn học, hoạt động giáo dục, bảo đảm độ tin cậy, công bằng, khách quan. Hình thành phương pháp, thói quen, khả năng tự học của học sinh.
PV: Vậy đâu là những điểm mới của Thông tư quy định dạy thêm, học thêm để có thể đảm bảo được các quan điểm, nguyên tắc như trên, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Thông tư mới quy định không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống, không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho 3 đối tượng, là những đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Các trường phổ thông hiện nay đang áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD-ĐT đã quy định cụ thể số tiết/môn, đưa ra các yêu cầu cần đạt với từng môn học vừa sức với học sinh. Bộ GD-ĐT cũng giao cho các trường quyền tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường đảm bảo hiệu quả và thầy cô giáo chú trọng đổi mới phương pháp dạy học nhằm đạt mục tiêu của chương trình là phát triển năng lực học sinh. Như vậy về mặt nguyên tắc, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình.
Quan điểm của Bộ GD-ĐT là hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm. Thay vào đó, sau giờ học các môn học theo chương trình, học sinh có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, mỹ thuật, âm nhạc…Để thời gian trong trường phổ thông không chỉ là thời gian hướng học kiến thức mà còn là thời gian để học sinh phát triển toàn diện về nhân cách, lối sống, ý thức trách nhiệm và khả năng hòa nhập với xã hội, rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề. Các thầy cô, các nhà làm giáo dục và toàn xã hội đều thống nhất điều này; học sinh không phải học thêm quá nhiều gây áp lực, mệt mỏi không cần thiết, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Đối với quy định dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Thông tư mới quy định, tổ chức cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải thực hiện đúng các quy định về pháp luật liên quan (đăng ký kinh doanh, khai báo hoạt động, cung cấp thông tin liên quan với chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật); giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình trên lớp… Quy định mới nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, tránh việc giáo viên “kéo” học sinh trên lớp ra ngoài để dạy thêm.
Nếu không thuộc đối tượng cần học thêm trong nhà trường, học sinh có nguyện vọng học thêm ở ngoài là hoàn toàn tự nguyện. Học để giỏi hơn, phát triển bản thân hơn là nguyện vọng chính đáng do đó Bộ GD-ĐT không cấm, tuy nhiên tổ chức, cá nhân đã dạy thêm phải đăng ký kinh doanh và phải công khai địa điểm, môn học, thời lượng học, kinh phí... và phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời gian làm việc, an toàn, an ninh...
PV: Trên thực tế dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật của cả người dạy và người học, nhưng cũng trên thực tế thời gian qua vẫn còn tồn tại những hiện tượng dạy thêm, học thêm tiêu cực. Thứ trưởng có thể cho biết, đâu là những giải pháp trước mắt và lâu dài để quản lý việc dạy thêm, học thêm hiệu quả?
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Dạy thêm, học thêm ngoài những đổi mới về quản lý còn cần sự thay đổi trong nhận thức của cả xã hội với vấn đề này. Do vậy cần nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài để quản lý việc dạy thêm, học thêm hiệu quả.
Về giải pháp hành chính, ban hành Thông tư, các quy định cụ thể. Về mặt chuyên môn, cần nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy của giáo viên, trách nhiệm của nhà giáo, phát huy năng lực tự học của học sinh.
Đặc biệt, việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đánh giá cuối kỳ, thi tuyển sinh phải phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, không đánh đố, không ra ngoài nội dung chương trình để đảm bảo học sinh học theo đúng chương trình, không cần học thêm vẫn sẽ vượt qua các kì kiểm tra, tuyển sinh. Tăng cường liên thông giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Cụ thể như trong các bài kiểm tra năng lực đầu vào đại học sử dụng kiến thức phổ thông, không đánh đố...
Bên cạnh đó cần giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất, trường học, cần có đủ trường học để đảm bảo công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh. Tăng số trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày.
Đặc biệt thời gian tới cũng cần tăng cường giải pháp về tăng cường thanh tra, kiểm tra; Giải pháp về tuyên truyền, vận động, qua đó nâng cao ý thức tự tôn, tự trọng của giáo viên để nói “không” với dạy thêm không đúng với quy định. Việc quản lý dạy thêm, học thêm không chỉ là vấn đề chính sách mà là sự thay đổi nhận thức của xã hội.
Ngoài ra, những chính sách để đảm bảo đời sống cho nhà giáo cũng là giải pháp cho vấn đề này. Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã có nhiều tham mưu và đang tiếp tục tham mưu về các chính sách cho nhà giáo, trong đó Luật Nhà giáo dự kiến được ban hành trong thời gian tới cũng sẽ mang lại những chính sách tích cực cho nhà giáo.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Nguyễn Trang/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/thu-truong-bo-gd-dt-huong-toi-muc-tieu-cac-truong-khong-co-hoc-them-day-them-post1153889.vov