Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Quy định về dạy thêm, học thêm để bảo vệ sự tôn nghiêm nhà giáo

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Quy định về dạy thêm, học thêm để bảo vệ sự tôn nghiêm nhà giáo
3 giờ trướcBài gốc
Thông điệp được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận 91-KL/TW, Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển giáo dục do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 6/2.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã chia sẻ quan điểm liên quan đến Thông tư 29 về quy định dạy thêm, học thêm mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành.
“Dạy thêm, học thêm là hoạt động giáo dục liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, liên quan đến học sinh. Vì vậy, Bộ GD-ĐT phải có trách nhiệm ban hành các quy định về quản lý hoạt động này theo quy luật chuyên ngành cũng như phù hợp với các quy định khác. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là không cấm hoạt động dạy thêm, học thêm mà chỉ cấm những điều vi phạm về quy định dạy thêm, học thêm; không đúng quy định”.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng
Thứ trưởng Thưởng nhấn mạnh, dạy thêm học thêm phải không ảnh hưởng việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông chính khóa trong nhà trường, tức là không được cắt xén, trùng lắp kiến thức.
“Dạy thêm, học thêm phải phù hợp với lợi ích của học sinh. Tức không được ép buộc hay có bất cứ hình thức nào để ép buộc”.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT mong các nhà quản lý chia sẻ tới giáo viên hiểu rằng quy định dạy thêm học thêm để giữ gìn hình ảnh, đảm bảo sự tôn nghiêm của nhà giáo và của ngành giáo dục.
“Những thầy cô chân chính, đủ năng lực, có tâm huyết không bao giờ có những hành vi ép buộc đối với học sinh mình để dạy học có thu tiền. Vì vậy, việc quy định một cách minh bạch như thế chính là bảo vệ sự tôn nghiêm của ngành và của các thầy cô”.
Bên cạnh đó, ông Thưởng cho hay, quan điểm đồng thời của Bộ GD-ĐT là xây dựng, từng bước hình thành phương pháp, thói quen tự học của học sinh.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng nhấn mạnh: “Quan điểm của lãnh đạo Bộ GD-ĐT là trong các nhà trường công lập, giáo viên đã nhận lương nhà nước, sử dụng cơ sở vật chất của nhà nước thì không có chuyện dạy thêm thu tiền của phụ huynh, học sinh”.
Ở trong trường công lập, có 3 đối tượng được bổ trợ kiến thức, gồm: học sinh chưa đạt chuẩn đầu ra của chương trình; bồi dưỡng học sinh giỏi; bồi dưỡng cho học sinh thi cuối cấp.
“Nhưng không gọi là dạy thêm, học thêm mà là bổ trợ kiến thức. Nếu ở tỉnh nào, Sở GD-ĐT có thể tham mưu cho tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các giáo viên tham gia tổ chức các lớp này, Bộ GD-ĐT hết sức khuyến khích…
Trách nhiệm dạy để học sinh đảm bảo chuẩn kiến thức, hình thành phẩm chất, năng lực đáp ứng được chuẩn đầu ra của chương trình là của thầy cô giáo và nhà trường,…”.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng bày tỏ mong muốn, trong quá trình thực hiện Thông tư 29, lãnh đạo các Sở GD-ĐT, hiệu trưởng các nhà trường tránh cực đoan.
“Trước đây chúng ta giảng dạy tràn lan, xã hội rất ‘kêu’. Thậm chí những thầy cô dạy tốt cũng bị ảnh hưởng, vì mang tiếng dạy học trò mình, rồi ép buộc, rồi đưa ra cách nọ cách kia... rất tổn thương.
Nhưng giờ khi thông tư ban hành ra, có những địa phương buông lỏng, thôi không bổ trợ cho học sinh nữa,... Chúng tôi đề nghị các tỉnh, thành trách nhiệm. Để các học sinh đảm bảo được tốt việc thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT là trách nhiệm của ngành giáo dục, của các thầy cô giáo giảng dạy bộ môn, của nhà trường. Học sinh chưa đạt chuẩn, chúng ta phải có trách nhiệm bổ trợ kiến thức cho các em đạt chuẩn. Các em còn lo lắng, lúng túng chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, nhà trường phải có các hình thức bổ trợ một cách phù hợp, không được buông lỏng”, Thứ trưởng truyền tải thông điệp của Bộ trưởng GD-ĐT quán triệt tới các sở GD-ĐT và chỉ đạo cần thực hiện một cách nghiêm túc.
Theo Thứ trưởng Thưởng, đổi mới bao giờ cũng rất khó khăn, đặc biệt là việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm khó khăn vô cùng.
“Để quản lý việc này tốt, trong thời gian tới, chúng ta phải có một loạt các giải pháp, vừa là trước mắt vừa là lâu dài”.
Theo Thứ trưởng, giải pháp đầu tiên về hành chính là ban hành các quy định, trong đó có Thông tư 29, song từng đó thôi là chưa đủ. Bên cạnh đó, cần phải có những giải pháp về chuyên môn, như nâng cao năng lực và phương pháp dạy học của đội ngũ giáo viên,...
Thanh Hùng
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/thu-truong-gd-dt-quy-dinh-day-them-hoc-them-de-bao-ve-su-ton-nghiem-nha-giao-2369114.html