Lời tòa soạn: 2024 là năm bùng nổ của các sản phẩm văn hóa, chương trình nghệ thuật chất lượng với quy mô lớn, được công chúng đón nhận rộng rãi. Việc khai thác hiệu quả các chất liệu đa dạng của văn hóa truyền thống với cách thức đổi mới sáng tạo đang mở ra hướng đi mới mẻ, nhiều triển vọng cho công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.
2025 là năm đầu tiên bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Theo đó, lĩnh vực công nghiệp văn hóa phấn đấu đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP của cả nước. VietNamNet thực hiện loạt bài về góc nhìn và tiềm năng phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam với ý kiến của các nghệ sĩ, chuyên gia, nhà quản lý uy tín.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hồ An Phong dành cho VietNamNet những trao đổi, chia sẻ về quan điểm và giải pháp của Bộ VHTTDL trong việc quản lý, kiến tạo phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa số nói riêng trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong. Ảnh: Trần Huấn
- Thứ trưởng đánh giá ra sao về sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian qua?
5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) đạt 7,21%/năm. Năm 2022, có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến các ngành CNVH thu hút 1,7-2,3 triệu lao động, tăng bình quân 7,44%/năm.
So sánh số liệu thống kê của Việt Nam với tình hình chung trên thế giới, Việt Nam đang ở tầm trung về phát triển CNVH và còn nhiều dư địa phát triển.
Về đóng góp của các ngành CNVH đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, với đặc trưng sáng tạo và công nghệ, CNVH đang mang đến sự thay đổi cơ cấu của các ngành có liên quan, tiếp đó là sự thay đổi cơ cấu ngành kinh tế. Sự xuất hiện của các trung tâm CNVH, các thành phố sáng tạo đã và đang làm thay đổi cơ cấu vùng kinh tế.
Các doanh nghiệp văn hóa, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Sự thay đổi này đã tạo nên các kết quả đáng ghi nhận ở cả 12 ngành (giai đoạn 2018-2022).
Đối với kiến trúc, giá trị gia tăng bình quân tăng 7,37%; đối với thiết kế, giá trị gia tăng của bình quân tăng 6,36%; đối với thời trang, giá trị gia tăng bình quân tăng 7,3%; đối với điện ảnh, giá trị gia tăng bình quân 7,94%...
Những con số trên bước đầu tạo ra một bức tranh phát triển khá toàn diện và dự báo đủ sức để có thể hướng đến tầm châu lục và thế giới trong những năm tới đây.
- Nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển công nghiệp văn hóa cần gắn với xuất khẩu văn hóa vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa học hỏi từ các quốc gia giàu kinh nghiệm. Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này?
Những năm gần đây, nhất là năm 2024, lĩnh vực điện ảnh và nghệ thuật biểu diễn như các concert Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi, chương trình Jazz quốc tế lần thứ I - Nha Trang 2024... tạo hiệu ứng tích cực, kích cầu du lịch, thu hút đầu tư và tăng nguồn thu ngân sách. Ngoài ra, xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ các ngành CNVH, đặc biệt là đồ thủ công mỹ nghệ và trò chơi điện tử cũng có nhiều bước phát triển đáng tự hào.
Từ những số liệu đã được thống kê, tốc độ phát triển của các ngành CNVH ở Việt Nam ngày càng được cải thiện. Mặt khác, xuất khẩu văn hóa đã và đang góp phần khẳng định sức mạnh mềm của dân tộc, đưa văn hóa, đất nước, con người Việt Nam đến gần hơn với bạn bè khắp thế giới.
Chúng ta nhận thấy, bạn bè quốc tế yêu Việt Nam nhiều hơn, muốn làm bạn, làm đối tác, hợp tác đầu tư với Việt Nam ngày càng thực chất hơn. Một phần do họ được tiếp cận với văn hóa, con người Việt Nam theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp thông qua sự trải nghiệm, thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, các tác phẩm điện ảnh, văn học…
Phân tích sâu hơn nữa, xuất khẩu văn hóa chính là nhịp cầu gắn kết tinh thần đoàn kết quốc tế, yêu chuộng hòa bình; gửi đến bạn bè thế giới về một nước Việt Nam bị tàn phá nặng nề sau các cuộc chiến tranh, từ một đất nước đói nghèo, lạc hậu nhưng sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu vĩ đại, vươn lên thành quốc gia đang phát triển, đạt nhiều mục tiêu thiên niên kỷ, nhất là các mục tiêu về giảm nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học, bình đẳng giới…
Như vậy, chúng ta có thể cảm nhận được xuất khẩu văn hóa không chỉ là câu chuyện của một ngành, một địa phương mà là của quốc gia, dân tộc; không chỉ là giá trị đơn thuần về mặt vật chất mà quan trọng hơn, bao trùm hơn là góp phần khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
NSND Thu Huyền biểu diễn trong chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai".
- Năm 2025 là năm đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Kế hoạch triển khai sẽ như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Chúng ta vừa có Nghị quyết số 57-NQ/TW về “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2030 là “Phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, công nghiệp văn hóa số đạt mức cao của thế giới”.
Như vậy, nếu thực hiện được các mục tiêu trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, chúng ta sẽ góp phần rất quan trọng để đưa các ngành CNVH Việt Nam phát triển đạt mức cao của thể giới. Hai mục tiêu này theo tôi có mối quan hệ biện chứng, bổ trợ nhau, góp phần hoàn thành mục tiêu chung trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Để đạt được các mục tiêu đó, ngay từ bây giờ các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có Ngành VHTTDL cần hành động quyết liệt 5 giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển cho các ngành CNVH, trước mắt cần tập trung để xây dựng luật, nghị định hoặc pháp lệnh cho các lĩnh vực đang còn khoảng trống về pháp lý như nghệ thuật biểu diễn, văn học…
Thứ hai, tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển các ngành CNVH, trong đó nguồn tài chính của Nhà nước chỉ là vốn mồi, có tính định hướng dẫn dắt, phải tìm mọi cách tận dụng nguồn vốn trong nhân dân, nguồn đầu tư nước ngoài, khuyến khích đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển các ngành CNVH.
Thứ ba, chương trình mục tiêu quốc gia cần phân cấp, phân quyền, trao quyền sâu và cụ thể cho địa phương bắt đầu từ khâu xây dựng kế hoạch cho đến tổ chức thực hiện gắn với lợi thế, bản sắc văn hóa. Có cơ chế đặc thù thực hiện, tính toán kỹ lưỡng về tính cấp bách, hiệu quả, đảm bảo đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải.
Thứ tư, tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp quản lý, tổ chức thực hiện chương trình. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ, hiệu quả việc thực hiện chương trình ở các cấp, các ngành.
Thứ năm, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại gắn với đổi mới sáng tạo trong phát triển các ngành CNVH tạo thành hệ sinh thái số đồng bộ để làm điểm tựa cho các ngành CNVH phát triển.
Các nghệ sĩ biểu diễn tác phẩm "Mẹ yêu con" tại "Anh trai vượt ngàn chông gai":