Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng: Bảo đảm tiến độ, chất lượng cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng: Bảo đảm tiến độ, chất lượng cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
một ngày trướcBài gốc
Còn nhiều vướng mắc nhưng tin tưởng thuận lợi
Báo cáo với Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng, ông Hoàng Đức Thọ, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Cao Bằng cho biết: Hiện cả 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn đã bàn giao được gần 800/825,91ha mặt bằng, đạt 96,85%; đã di dời 386/396 căn nhà, các căn nhà còn lại đều sẵn sàng di chuyển khi có yêu cầu.
Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng kiểm tra thực tế công tác thi công trên cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh.
Đường dây 0,4kV tại các vị trí ảnh hưởng đến thi công đã được di chuyển tạm để đảm bảo tiến độ thi công trên toàn tuyến. Trong quá trình triển khai thi công, các đơn vị di chuyển trước các vị trí ưu tiên theo đề xuất của doanh nghiệp dự án (DNDA) đảm bảo không làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành của cao tốc.
Hai tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng 6 khu tái định cư (TĐC), trong đó: Lạng Sơn có 3 khu (huyện Văn Lãng 2 khu, huyện Tràng Định 1 khu), Cao Bằng có 3 khu (huyện Quảng Hòa 2 khu, huyện Thạch An 1 khu, đã hoàn thành). Nghĩa là, đến nay mới hoàn thành 1/6 khu TĐC, 5 khu TĐC còn lại đang đầu tư xây dựng, do đó phần nào ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, nhiều tài sản, vật kiến trúc của người dân không thuộc danh mục tài sản vật kiến trúc trong quyết định ban hành bảng giá nhà và các công trình xây dựng gắn liền với đất để tính bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Cao Bằng gây khó khăn cho việc thẩm định phương án, dự toán đền bù GPMB.
Đại diện DNDA cho biết, thực tế hiện nay, đất đào đắp và cát, đá xây dựng cung cấp cho dự án chưa đáp ứng yêu cầu về công suất thi công, DNDA đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng sớm cho phép nâng công suất khai thác một số mỏ khai thác khoáng sản để đáp ứng yêu cầu thi công, sử dụng vật liệu. DNDA đề nghị UBND các tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng sớm bàn giao vị trí đổ thải, giúp đẩy nhanh tiến độ dự án.
Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Cao Bằng Hoàng Đức Thọ.
Hiện DNDA đang triển khai trên 200 mũi thi công với tổng số 1.428 máy móc, thiết bị chính và hơn 3.228 nhân sự. Đến nay, tổng sản lượng thực hiện các gói thầu đạt 2.826/10.638 tỷ đồng, đạt 28,11% giá trị hợp đồng, vượt 0,26% so với kế hoạch. DNDA sẽ tăng cường máy móc, thiết bị nhân lực bổ sung mũi thi công, tăng ca, tăng kíp đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo hoàn thành thông tuyến trong năm 2025.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Văn Thạch cho biết: Do dự án phải nhiều lần điều chỉnh làm tăng diện tích sử dụng đất lên hơn 40% so với dự kiến ban đầu, dẫn đến phát sinh khối lượng GPMB. Tuy vậy, có thể khẳng định công tác GPMB đã cơ bản xong, bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho thi công dự án.
Hiện UBND tỉnh Cao Bằng đang nỗ lực tháo gỡ từng vướng mắc liên quan, bổ sung điểm mỏ vật liệu và bãi đổ thải giúp thi công thuận lợi, giảm giá thành xây dựng.
Tăng máy móc, đẩy nhanh tiến độ
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng đánh giá dự án có vị trí quan trọng, tạo thuận lợi cho Cao Bằng phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mình. Thứ trưởng đánh giá cao sự vào cuộc của UBND tỉnh Cao Bằng và các cơ quan liên quan trong công tác GPMB, nhất là công tác dân vận, tạo đồng thuận cao trong nhân dân. Các công tác bố trí, giải ngân vốn đầu tư... trong thực hiện dự án đã bảo đảm quy định.
Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng kết luận buổi làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng.
Liên quan đến một số tồn tại hiện nay như tiến độ thi công dù cơ bản hoàn thành theo hợp đồng nhưng so với mục tiêu đặt ra còn chậm, chưa có thời gian dự phòng, nhất là những tháng mùa mưa sắp tới, khối lượng đào đắp trên tuyến còn lớn... Thứ trưởng đề nghị DNDA cần có giải pháp cụ thể để khắc phục ngay.
Thứ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng và địa phương tập trung tối đa nhân lực để hỗ trợ nhà thầu và đơn vị liên quan trong thực hiện thủ tục hành chính dự án. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng chủ động giải quyết dứt điểm vướng mắc mặt bằng, chủ động nguồn cung cấp vật liệu, bãi đổ thải; tập trung công tác chuẩn bị khởi công giai đoạn 2 của dự án vào dịp 19/8 tới.
Qua kiểm tra thực tế tại công trường, Thứ trưởng đề nghị DNDA bổ sung máy móc, nhân lực, tăng ca, tăng kíp theo tinh thần 3 ca, 4 kíp; xây dựng lại kế hoạch tiến độ thi công cho từng vị trí, bảo đảm tiến độ đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ là thông tuyến vào ngày 19/12.
Ngoài tiến độ, Thứ trưởng đặc biệt lưu ý cần phải bảo đảm chất lượng trong thi công dự án, bảo đảm an toàn lao động.
Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121km. Điểm đầu của tuyến tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn), kết nối vào đoạn nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam, tỉnh Lạng Sơn.
Điểm cuối tại nút giao đường vào Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh và quốc lộ 34, tỉnh Cao Bằng.
Dự án được đầu tư phân kỳ 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 được đầu tư với chiều dài hơn 93km, quy mô nền đường 17m đối với các đoạn thông thường và 13,5m đối với các đoạn phức tạp. Tổng mức đầu tư hơn 14.100 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án là 9.800 tỷ đồng (chiếm hơn 69% TMĐT). Thời gian hoàn vốn dự kiến 22 năm 4 tháng.
Giai đoạn 1 do UBND tỉnh Cao Bằng làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam - Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) - Công ty CP Xây dựng Công trình 568 làm nhà đầu tư dự án theo hình thức PPP.
Thương Nguyễn
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/thu-truong-nguyen-viet-hung-bao-dam-tien-do-chat-luong-cao-toc-dong-dang-tra-linh-192250528180003981.htm