Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Không nên nặng nề quá về điểm 9, điểm 10

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Không nên nặng nề quá về điểm 9, điểm 10
9 giờ trướcBài gốc
Chuyên gia bất ngờ vì phổ điểm “đẹp ngỡ ngàng”
Theo Bộ GD&ĐT, trong tất cả các môn thi tốt nghiệp năm nay, chỉ có Ngữ văn là môn tự luận, các môn còn lại đều thi trắc nghiệm. Bộ GD&ĐT mời đội ngũ chuyên gia độc lập phân tích phổ điểm dựa trên dữ liệu của các Sở GD&ĐT.
Phát biểu tại hội nghị công bố phổ điểm tốt nghiệp năm 2025, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nói, “bất ngờ” vì phổ điểm năm nay không quá biến động và có sự phân hóa, phù hợp cho xét tuyển đại học.
Ngoài ra, ông đánh giá cao việc Hà Nội có mặt ở hầu hết bảng xếp hạng vì năm nay là lần đầu tiên, Hà Nội lọt top của hầu hết các bảng xếp hạng.
Nhận xét về phổ điểm môn tiếng Anh năm nay "đẹp đến ngỡ ngàng" đó là dạng hình chóp lý tưởng. GS Đình Đức cho rằng, dù ban đầu thí sinh và phụ huynh phản ứng vì đề thi quá khó, nhưng kết quả cuối cùng đã chứng minh tính hợp lý của đề. Năm nay, đề khó hơn hẳn do chuyển từ chuẩn đầu ra A2 lên B1, nhưng điểm trung bình vẫn đạt 5,38. Điều đó cho thấy năng lực của thí sinh được cải thiện rõ rệt.
Mặt khác, theo GS Đức, năm nay tiếng Anh là môn tự chọn nên những em đã đăng ký dự thi môn này đều là những thí sinh có thế mạnh và được đầu tư đúng hướng. Trong danh sách 10 tỉnh thành có điểm trung bình môn tiếng Anh cao nhất là Hà Nội lần đầu tiên dẫn đầu ở top này, xếp sau là TP HCM, Quảng Ninh, Điện Biên, Phú Thọ, Hải Phòng, Nghệ An, Ninh Bình, Hà Tĩnh và Thanh Hóa.
Đại diện giáo viên, quản lý ở bậc THPT, bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức cho rằng, với đề thi ngoại ngữ như năm nay, chúng tôi nghĩ việc dạy học bộ môn trong nhà trường cần thay đổi, học sinh cần sử dụng được ngôn ngữ.
"Chúng ta không thể chỉ dạy ngữ pháp mà cần trang bị cho học sinh cả 4 kĩ năng”, bà Quỳnh nhấn mạnh.
Năm nay, ngoài việc công bố phổ điểm, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT công bố dữ liệu điểm thi của các địa phương, trong đó xếp hạng top 10 tỉnh, thành phố dựa trên 2 tiêu chí gồm điểm trung bình môn và điểm 10.
Ví dụ ở môn Toán, Ninh Bình là địa phương dẫn đầu với điểm trung bình môn cao nhất là 5,04; tiếp theo là Hà Nội 5,03; Hải Phòng 5,1… Hà Nội cũng là địa phương dẫn đầu số lượng thí sinh có bài thi đạt điểm 10 với 93 bài. Tuy nhiên, bộ này mới chỉ nêu địa phương có điểm trung bình cao, nhiều điểm 10 mà chưa công bố top địa phương có mức điểm thấp để nhìn thẳng vào chất lượng dạy học.
Phổ điểm tiếng Anh không còn hình yên ngựa
GS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) nói rằng, năm nay đề thi đã thể hiện được tính phân loại thông qua phổ điểm.
Với sự thay đổi trong kỳ thi đó là chỉ có Toán, Ngữ văn bắt buộc, 2 môn còn lại thí sinh được tự chọn theo sở thích, năng lực tốt nhất của bản thân. Chính vì thế, ông khẳng định, đề thi có tính phân loại rõ rệt so với năm trước.
GS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại Hội nghị chiều 15/7.
Đối với môn tiếng Anh, GS Hà cho rằng, năm nay là năm đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018 với kết quả yêu cầu đầu ra đạt trình độ B1, bậc 3/6 và đây là yêu cầu đã có thay đổi so với trước.
“Chúng ta nhìn thấy không còn hiện tượng hình yên ngựa, là tín hiệu rất mừng. Một điều nữa thể hiện trong phổ điểm thi, mặc dù số lượng thí sinh giảm xuống nhưng nói lên rằng, chất lượng thí sinh tham gia kỳ thi tăng lên”, theo GS Hà.
Với môn Toán, năm 2024 toàn quốc không có điểm 10 nào, năm 2023 có 12 điểm 10 và phổ điểm lệch phải rất mạnh.
Năm 2025, số điểm 10 tăng lên cho thấy đề thi phân loại tốt và cần nhìn nhận con số hơn 500 bài thi đạt điểm 10 tương quan hơn 1,1 triệu thí sinh dự thi.
Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 99,21%
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nêu lý do lần đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị công bố phổ điểm các môn thi Tốt nghiệp THPT là do, năm đầu tiên thi theo chương trình mới. Bộ GD&ĐT đã mời các chuyên gia về giáo dục phân tích phổ điểm, thầy cô giáo dạy học ở trường THPT có ý kiến nhận xét nhằm đảm bảo tính khách quan.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng.
Ông Thưởng khẳng định, đến thời điểm này, kỳ thi được tổ chức thành công tốt đẹp, đảm bảo 3 mục tiêu gồm: Xét tốt nghiệp, đánh giá quá trình học tập 12 năm của học sinh; là cơ sở dữ liệu tin cậy để xét tuyển đại học.
“Kỳ thi năm nay khó khăn, thách thức hơn những năm trước rất nhiều vì là năm đầu tiên đánh giá kết quả dạy học theo hướng đánh giá năng lực học sinh. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT trên toàn quốc đạt tỉ lệ 99,21%”, theo ông Thưởng.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng nói về ưu điểm của kỳ thi đó là vừa đảm bảo quá trình định hướng nghề nghiệp, giúp học sinh phát huy phẩm chất, năng lực thông qua việc lựa chọn môn thi. Việc đánh giá chuyển từ kiểm tra kiến thức học thuộc, ghi nhớ sang đánh giá năng lực có những điểm khác nhưng học sinh đã rất nỗ lực, chuyển trạng thái và thầy cô nỗ lực dạy học dù khi thay đổi phương thức thi có phần lo lắng.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng: “Chúng ta cũng không nên nặng nề quá về điểm 9, điểm 10. Cần bỏ dần tư duy đánh giá điểm số dù nó là những con số định lượng nhưng chỉ là một trong các thông số, không phải là tất cả”.
Chương trình GDPT ở bậc THPT, học sinh được lựa chọn môn học yêu thích để phát triển hết năng lực phẩm chất để sau này dự thi. Với kỳ thi năm nay, quy chế thi tốt nghiệp, quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT lần đầu tiên làm được việc hướng tới học sinh và hướng tới kết quả học tập thi thật, kết quả thật, nhân tài thật như chỉ đạo.
Hà Linh - Đỗ Hợp
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/thu-truong-pham-ngoc-thuong-khong-nen-nang-ne-qua-ve-diem-9-diem-10-post1760501.tpo