Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Tại Hội nghị phòng, chống dịch bệnh động vật cuối năm và kiểm soát giết mổ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 4/1 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, việc phòng chống, kiểm soát dịch bệnh tốt nhiều dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm và thủy sản, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi, thủy sản phát triển. Qua đó, đóng góp quan trọng vào thành quả ngành nông nghiệp đạt được về tăng trưởng và xuất khẩu.
Tuy nhiên, một số loại dịch bệnh nguy hiểm có chiều hướng gia tăng so với năm 2023 như: bệnh dịch tả lợn châu Phi có số ổ dịch tăng 69%; bệnh lở mồm long móng có số ổ dịch tăng hơn 2 lần và bệnh viêm da nổi cục có số ổ dịch tăng hơn 29%.
Trên động vật thủy sản chủ yếu vẫn là các bệnh như hoại tử gan tụy cấp tính, đốm trắng, vi bào tử trùng trên tôm; bệnh gan thận mủ, bệnh xuất huyết ở cá tra, bệnh ký sinh trùng… Đặc biệt là nguy cơ dịch bệnh xảy ra trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 là rất cao.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, các tỉnh, thành phố cần tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là các chương trình, kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản.
"Các địa phương cần đặc biệt quan tâm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật bệnh; ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật để bảo vệ sản xuất trong nước cũng như giúp kiểm soát tốt dịch bệnh", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Đánh giá về nguy cơ dịch bệnh bùng phát cuối năm và Tết Nguyên đán, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, thời tiết thay đổi bất lợi, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh. Việc vận chuyển, giết mổ động vật, các sản phẩm động vật gia tăng mạnh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu năm 2025.
Thêm nhu cầu tái đàn sau Tết Nguyên đán sẽ khiến tổng đàn gia súc, gia cầm sẽ tăng cao. Trong khi đó, việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học còn hạn chế ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; việc quan tâm, sử dụng vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi còn hạn chế.
Một số địa phương cấp huyện, cấp xã nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng tính chất nguy hiểm của dịch bệnh động vật. Việc tổ chức chống dịch, xử lý, tiêu hủy động vật mắc bệnh, chết do bệnh gặp rất nhiều khó khăn do không có đủ lực lượng thú y, thiếu kinh phí mua hóa chất, thuê phương tiện...
Vẫn có địa phương chưa triển khai quyết liệt, đồng bộ, xử lý dứt điểm và tiêu hủy động vật khi mới xuất hiện dịch bệnh. Điều kiện cơ sở vật chất của hệ thống các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông chưa đáp ứng yêu cầu; hầu hết các trạm không có nơi xét nghiệm, không có thiết bị để thực hiện các xét nghiệm nhanh.
Theo ông Phan Quang Minh, đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thú y hoàn chỉnh, đồng bộ, phù hợp với luật thú y của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH). Các chương trình, kế hoạch quốc gia, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất chi tiết, cụ thể cho từng bệnh, từng thời kỳ.
Do đó, việc quan trọng nhất hiện nay là tổ chức thực hiện của các địa phương (nhất là cấp huyện, cấp xã), các doanh nghiệp và người chăn nuôi. Đặc biệt, tổ chức thực hiện nghiêm Công điện số 58/CĐ-TTg ngày 16/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; chống dịch bệnh thủy sản.
Các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo, huy động các nguồn lực hợp pháp để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Địa phương cần kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là tổ chức triển khai việc tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng vật nuôi hiện có được tiêm phòng, trong thời gian sớm nhất có thể.
Lào Cai – tỉnh miền núi với 80% là chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán mà địa bàn rộng nhưng đã kiểm soát khá thành công dịch bệnh. Ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, địa phương vẫn xảy ra ổ dịch nhỏ lẻ nhưng nhờ phát hiện kịp thời nên không để xảy ra dịch lớn.
Có được thành công này, ông Lê Tân Phong chia sẻ, tỉnh sớm có các chính sách cho 6 loại bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm nên tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh khá cao. Nhờ vậy, việc phòng chống dịch bệnh khá tốt. Lực lượng thú y cơ sở với đội ngũ cộng tác viên thú y thôn bản đã phát hiện sớm dịch bệnh và kiểm soát tình hình dịch bệnh nhanh, nên dù có khá nhiều ổ dịch nhưng thiệt hại nhỏ.
Bên cạnh đó, Lào Cai cũng dành nguồn lực cho giám sát chủ động bằng lấy mẫu, cũng như giám sát sau tiêm phòng. Tỷ lệ tiêm phòng các loại dịch bệnh cao cũng giúp khi có dịch bệnh nhưng không lây lan rộng.
Để kiểm soát giết mổ, bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, ông Phan Quang Minh đề nghị các địa phương chỉ đạo cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương phối hợp Cục Thú y sử dụng phần mềm quản lý dữ liệu cơ sở giết mổ gia súc để xây dựng Hệ thống thông tin kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Việc tạo cơ sở dữ liệu các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ động vật sẽ giúp truy xuất nguồn gốc gia súc, gia cầm.
Bích Hồng/BNEWS/TTXVN