Đánh giá về kết quả đã đạt được cũng như những định hướng của ngành trong phát triển kinh tế tư nhân, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến đã có những chia sẻ với báo chí.
Chế biến sản phẩm dứa đóng hộp tại nhà máy của Công ty CP xuất nhập khẩu nông sản An Giang. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN
Thứ trưởng có đánh giá gì về kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản quý I/2025?
Trong bối cảnh kinh tế thế giới tuy có triển vọng phục hồi, song cũng có nhiều khó khăn, thách thức mới như: các dòng thương mại, đầu tư… tiếp tục dịch chuyển, dần hình thành cấu trúc mới, nhất là nguy cơ chiến tranh thương mại nổi lên, nhiều quốc gia thực thi chính sách bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất nông sản để chủ động nguồn cung, ứng phó với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Tuy vậy, với sự chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kết quả rất tích cực. Quý I/2025, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024.
Năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao tăng trưởng GDP lĩnh vực nông nghiệp là 4%, xuất khẩu nông lâm thủy sản 70 tỷ USD… Đây là thách thức rất lớn trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, khó lường, xung đột vẫn diễn ra và sức mua trong nước có giới hạn. Vì vậy, để đạt được các mục tiêu được giao, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực phấn đấu, tập trung nguồn lực, tận dụng thời cơ.
Trước những động thái của Hoa Kỳ về thuế với các nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những cuộc họp để có những kịch bản chủ động. Việt Nam chủ động giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Việt Nam hướng tới hài hòa cả hai chiều.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai (An Giang). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Chế biến là giải pháp quan trọng để đa dạng và nâng cao giá trị các sản phẩm nông - lâm - thủy sản. Bộ Nông nghiệp và Môi trường có định hướng cơ chế hỗ trợ khối doanh nghiệp tư nhân đầu tư chế biến nông - lâm - thủy sản thế nào?
Năm 2025 dự kiến sẽ thành lập mới khoảng 1.500 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp lên khoảng 18.500 doanh nghiệp. Để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển bền vững cần có các giải pháp và cơ chế hỗ trợ.
Ngành tập trung hỗ trợ các hợp tác xã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ lực, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất có chứng nhận, kết nối thị trường. Hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế (GlobalGAP, VietGAP, Organic…)
Đặc biệt là giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp; thực hiện “đồng hành” và tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số, sạch, hữu cơ.
Bộ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để tăng cường các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, thời gian vay dài; đặc biệt cho các dự án đầu tư vào chế biến, công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn.
Bộ tiếp tục hoàn thiện cơ chế cho thuê, chuyển nhượng, ổn định thời gian thuê đất nông nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất; hỗ trợ phát triển hệ thống giao thông, điện, nước, kho bãi để doanh nghiệp dễ dàng đầu tư sản xuất. Hay hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ tiên tiến, áp dụng nền tảng số trong quản lý chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử.
Chế biến, sơ chế hoa quả để giữ được sản phẩm tươi ngon ngay sau khi thu hoạch là yêu cầu căn bản cho xuất khẩu nông sản. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Sau khi hợp nhất hai bộ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường có chủ trương cắt giảm thủ tục hành chính tạo thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp như thế nào?
Sau khi hợp nhất, Bộ Nông nghiệp và Môi trường có 1.100 văn bản quy phạm pháp luật; trong đó có 19 luật. Đây là hệ văn bản có khối lượng rất lớn cả về nội dung và số lượng. Do đó, nội tại trong các văn bản quy phạm pháp luật của ngành còn nhiều nội dung chồng lấn, đan xem và một số văn bản chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Trong thời gian tới, để tháo gỡ điểm nghẽn này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tập trung rà soát, tổng hợp, để công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ. Những cơ chế, chính sách không còn phù hợp, không đi vào thực tiễn thì bãi bỏ; trước mắt xem xét để bãi bỏ 47 văn quản quy phạm pháp luật lĩnh vực đất đai đã hết hiệu lực trên thực tế.
Bộ cũng tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, bảo đảm giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí kinh doanh; bãi bỏ 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết. Các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp thực hiện trên môi trường điện tử, bảo đảm thông suốt, liền mạch, hiệu quả...
Sản xuất sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu sang Thụy Sỹ tại nhà máy của Công ty CP Woodsland Tuyên Quang. Ảnh tư liệu: TTXVN
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trên cơ sở nghị quyết này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ có những cơ chế gì mới cho khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp và môi trường?
Trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của bộ, ngành. Theo ước tính, khoa học công nghệ đã đóng góp hơn 35% vào thành công trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua. Chính nhờ khoa học công nghệ nên tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp và môi trường luôn duy trì ở mức cao (trung bình 3,2% giai đoạn 2021 - 2025). Trong giai đoạn tới, dự kiến khoa học công nghệ sẽ đóng góp hơn 50% tổng mức tăng trưởng của ngành.
Tuy nhiên, sự đầu tư cho khoa học công nghệ là 2% tổng chi ngân sách còn chưa tới tầm. Bên cạnh đó, các nhà khoa học chưa được quan tâm đúng mức; thủ tục tài chính với các đề tài rất rườm rà…Triển khai thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã họp với các đơn vị chức năng liên quan về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; xây dựng, hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn của bộ; trong đó, nhiệm vụ cấp bách cần phải tập trung giải quyết điểm nghẽ, trở lực.
Bộ sẽ tìm cơ chế giải phóng nguồn lực, đất đai, cơ sở vật chất, nhất ở các đơn vị nghiên cứu khoa học để khoa học công nghệ thực sự là động lực.
Để hoàn thiện thể chế, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung 17 luật chuyên ngành.
Bộ chú trọng đối mới phương thức theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược đáp ứng nhu cầu nhân lực.
Bộ cũng thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo vào quản lý nông nghiệp; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường. Đồng thời, phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao; nhất là việc thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các ‘tổng công trình sư’ trong và ngoài nước…
Bộ sẽ tăng cường hợp tác quốc tế dưới các hình thức đa phương, song phương với các quốc gia, vùng lãnh thổ, các viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế, tập đoàn đa quốc gia có trình độ khoa học, công nghệ hàng đầu thế giới về sản xuất nông nghiệp và việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dự báo thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phòng, chống dịch bệnh động vật, thực vật.
Xin cảm ơn những chia sẻ của Thứ trưởng!
Bích Hồng (TTXVN)