Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt.
Cơ hội để làm chủ công nghiệp đường sắt
Thông báo nêu, việc phát triển hệ thống đường sắt có vai trò then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội. Với quy mô đầu tư của hệ thống đường sắt trong thời gian tới là rất lớn, đây là cơ hội để Việt Nam làm chủ công nghệ, phát triển sản xuất công nghiệp đường sắt.
Mục tiêu là đến năm 2030-2045 phải phát triển được công nghiệp đường sắt (làm chủ sản xuất toa xe, đầu máy và hệ sinh thái liên quan công nghiệp đường sắt…).
Thủ tướng cho rằng cần tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hình thành các tập đoàn, doanh nghiệp lớn (cả nhà nước và tư nhân); huy động mọi nguồn lực (bao gồm sử dụng vốn ngân sách nhà nước, huy động từ nguồn vốn vay, vốn ODA, phát hành trái phiếu, khai thác quỹ đất theo hình thức TOD…); xây dựng bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; bổ sung đầy đủ các cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt cho các dự án (như bổ sung cơ chế chỉ định thầu, huy động nguồn lực…).
Thủ tướng cho biết mục tiêu là đến năm 2030-2045 phải phát triển được công nghiệp đường sắt
Ngoài ra, phải có tổng công trình sư có trình độ, năng lực, kinh nghiệm để chỉ đạo các dự án. Từng thành viên của ban chỉ đạo phải hết sức khẩn trương, nghiêm túc, thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao để phối hợp, triển khai hiệu quả, chất lượng, bảo đảm tiến độ.
Thủ tướng yêu cầu trước mắt ưu tiên tập trung công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án (đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng); giao các địa phương làm chủ đầu tư các dự án giải phóng mặt bằng, ưu tiên bố trí nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, chủ đầu tư để hoàn thành theo đúng kế hoạch; tiếp tục rà soát cơ chế tài chính, đa dạng hóa nguồn vốn, đồng thời quản lý chặt chẽ để tránh thất thoát, lãng phí.
Thủ tướng cũng lưu ý rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt đã được Quốc hội cho phép để kịp thời bổ sung thêm đầy đủ các cơ chế để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định trong tháng 5 năm 2025.
Ngoài ra, xây dựng Nghị định hướng dẫn lập thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) và hướng dẫn cho phép chủ đầu tư được triển khai thực hiện đồng thời việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; hoàn thành trong tháng 6 năm 2025.
“Khẩn trương xây dựng Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt; hoàn thành trong tháng 5 tháng 2025…”, Thủ tướng nêu.
Tăng vốn điều lệ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
Thủ tướng yêu cầu xây dựng Đề án phát triển công nghiệp đường sắt, trình Chính phủ ban hành (hoàn thành trong tháng 6 năm 2025); lập Đề án tái cơ cấu Tổng công ty đường sắt Việt Nam (theo định hướng mô hình tập đoàn) để tham gia vào quá trình triển khai thực hiện các dự án.
Ngoài ra, nghiên cứu xem xét giao Tập đoàn Viettel và VNPT chủ trì đảm nhận trong việc tiếp nhận, phát triển, làm chủ công nghệ hệ thống thông tin, tín hiệu và hệ thống điều khiển của các dự án đường sắt.
Thủ tướng đồng ý đối với kiến nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc tăng vốn điều lệ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chủ động chủ trì, phối hợp với các đối tác có năng lực lập hồ sơ dự án tổ hợp công nghiệp đường sắt phục vụ các dự án đường sắt theo trình tự, thủ tục, quy định để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Tích cực triển khai các dự án cụ thể
Thủ tướng cũng có ý kiến chỉ đạo đối với một số dự án. Cụ thể, với dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước trong tháng 4.2025 để tiến hành thẩm định cùng với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, đáp ứng tiến độ khởi công vào tháng 12.2025.
Hướng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh được đề xuất
Thủ tướng đồng ý khởi công gói thầu xây dựng hạ tầng ga Lào Cai mới và khởi công các khu tái định cư của dự án trong năm 2025; yêu cầu làm việc với phía Trung Quốc để đàm phán hiệp định khung về các nội dung liên quan đến Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong tháng 5.2025, ký kết hiệp định vay trong tháng 11.2025 ngay sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.
Với tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chuẩn bị hồ sơ để sớm triển khai đồng bộ các tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái.
Về Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng trình Chính phủ bổ sung cơ chế về chỉ định thầu cho dự án trong tháng 4.2025; Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội vào tháng 5 năm 2025; hoàn thiện các thủ tục để phấn đấu khởi công dự án vào cuối năm 2026; sớm ban hành nghị định về thiết kế tổng thể theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Với các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM, Thủ tướng yêu cầu 2 địa phương chủ trì xây dựng kế hoạch chi tiết, tiến độ công việc triển khai các cơ chế chính sách áp dụng cho hai thành phố và ban hành kế hoạch riêng của mỗi thành phố thuộc thẩm quyền của địa phương; hoàn thành trong tháng 5.2025.
Thủ tướng yêu cầu rà soát lại kế hoạch triển khai các tuyến, xác định rõ phương án huy động nguồn vốn cho từng dự án. Hai thành phố phải có trách nhiệm phát triển công nghiệp đường sắt quốc gia.
Lam Thanh