Thủ tướng Ấn Độ thăm Mỹ: Bạn cũ, lợi ích mới

Thủ tướng Ấn Độ thăm Mỹ: Bạn cũ, lợi ích mới
8 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm chính thức Mỹ từ ngày 12-13/2, theo lời mời của Tổng thống Donald Trump. Có gì trong chuyến công du lần này?
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khởi động chuyến thăm bằng cuộc gặp với Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ mới được bổ nhiệm Tulsi Gabbard, ngày 12/2. (Nguồn: X)
Nối lại tình thân
Trước hết, ông Modi sẽ là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên thăm Nhà Trắng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, sau Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru và Quốc vương Abdullah của Jordan.
Quan trọng hơn, việc tân Tổng thống Mỹ mời Thủ tướng Ấn Độ tới thăm ngay trong tháng đầu nhiệm kỳ phản ánh ưu tiên của Washington dành cho New Delhi, mối quan hệ “sẽ định hình thế kỷ XXI” theo lời của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio. Bản thân ông Rubio cũng đã có cuộc gặp sớm với người đồng cấp Ấn Độ S. Jaishankar ngày 26/1, trao đổi về nhiều nội dung quan trọng như thuế quan, hợp tác kinh tế, cũng như chuẩn bị cho chuyến thăm sắp tới của ông Modi.
Thực tế cho thấy mối quan hệ Mỹ-Ấn đã “thăng hoa” ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Nhà lãnh đạo này đã “hồi sinh” hợp tác Bộ tứ giữa Washington, New Delhi, Tokyo và Canberra, qua đó tăng cường vị thế về mặt an ninh của Ấn Độ. Bên cạnh đó, ông cũng thúc đẩy hợp tác quốc phòng Mỹ-Ấn, bao gồm khởi động Đối thoại 2+2 cấp Bộ trưởng năm 2018.
Đây là diễn đàn để các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng hai nước trao đổi về các vấn đề an ninh và đối ngoại cùng quan tâm. Cùng năm đó, chính phủ Mỹ cũng “bật đèn xanh” để Ấn Độ có Quy chế quyền thương mại chiến lược cấp 1 (STA-1), qua đó New Delhi có quyền tiếp cận các công nghệ tiên tiến và thông tin tình báo quân sự của Mỹ.
Đặc biệt, Washington đã đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đụng độ biên giới Trung - Ấn năm 2020 khi cung cấp cho New Delhi nhiều thông tin tình báo, hỗ trợ hậu cần với quần áo mùa Đông cùng một số máy bay trinh sát không người lái.
Mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo cũng thu hút không ít sự chú ý. Nổi bật trong số đó là sự kiện mang tính biểu tượng tại Houston, Texas (Mỹ) tháng 9/2019, khi ông Modi và ông Trump cùng nhau phát biểu trước đám đông gồm 50.000 người Mỹ gốc Ấn. Một năm sau, cả hai có động thái tương tự, song lần này là tại Ahmedabad, nơi khởi nguồn sự nghiệp chính trị của ông Narendra Modi.
Dưới thời ông Joe Biden, quan hệ Mỹ-Ấn tiếp tục được duy trì và phát triển, nổi bật là sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác trong các công nghệ then chốt và mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán lượng tử, chất bán dẫn và khám phá không gian.
Trên cơ sở đó, tuyên bố trước thềm chuyến thăm, Thủ tướng Narendra Modi cho rằng cuộc gặp sắp tới tại Nhà Trắng là cơ hội để thúc đẩy, phát triển hơn nữa thành quả từ hợp tác song phương trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump.
Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Donald Trump tại sự kiện Howdy, Modi ở Houston, bang Texas ngày 22/9/2019. (Nguồn: Houston Chronicle)
Còn đó sóng gió
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu kết luận rằng dưới thời ông Trump, mối quan hệ Mỹ-Ấn chỉ toàn “cầu vồng và ánh nắng”. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, chính nhà lãnh đạo này đã chỉ trích thặng dư thương mại của Ấn Độ với Mỹ, coi New Delhi là “vua thuế quan” và áp thuế với thép và nhôm nhập khẩu từ đất nước sông Hằng. Ông chủ Nhà Trắng cũng xóa bỏ nhiều điều khoản trong Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), vốn tạo điều kiện để nhiều mặt hàng của Ấn Độ như sản phẩm dệt may, da giày nhập khẩu vào thị trường Mỹ và không phải chịu thuế.
Năm 2018, Mỹ cũng đe dọa sẽ trừng phạt Ấn Độ sau khi nước này mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Một năm sau đó, bình luận gây tranh cãi của ông Trump về Kashmir, cùng nỗ lực thúc đẩy quan hệ với Pakistan cũng khiến liên kết song phương gặp không ít trắc trở.
Mới đây nhất, ông Trump tiếp tục chỉ trích hệ thống visa H-1B, vốn cho phép công ty Mỹ tuyển dụng lao động lành nghề từ nước ngoài, trong đó người Ấn Độ chiếm tỷ lệ cao nhất. Đỉnh điểm của vụ việc là khi chính phủ Mỹ trục xuất hơn 100 công dân Ấn Độ hồi đầu tháng, gây nên làn sóng phản đối và lo ngại tại đất nước tỷ dân.
Lợi ích là trên hết
Tuy nhiên, chừng đó khó có thể cản trở lộ trình hiện nay của quan hệ Mỹ-Ấn. Giáo sư Quan hệ quốc tế tại Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) Vineet Prakash đánh giá: “Việc trục xuất công dân Ấn Độ sẽ không làm thay đổi bản chất của quan hệ Mỹ-Ấn. Hai bên có nhiều lĩnh vực song trùng về lợi ích và sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác, đặc biệt là về thương mại, công nghệ và quốc phòng”.
Ngoài ra, hiện Ấn Độ đã lên kế hoạch xem xét lại thuế quan đối với hơn 30 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm các loại xe sang và pin mặt trời, nhằm giảm thặng dư thương mại. Trước đó, New Delhi cũng giảm thuế quan đối với các sản phẩm xe đạp, ô tô cao cấp và hóa chất từ Washington.
Bởi lẽ, từ góc nhìn của Ấn Độ, Mỹ vẫn là đồng minh then chốt, khi là nhà đầu tư lớn nhất và đối tác thương mại hàng đầu. Xứ cờ hoa cũng là điểm đến của năm triệu người Mỹ gốc Ấn - cộng đồng Ấn kiều lớn nhất thế giới. Trên cơ sở đó, tờ Mint (Ấn Độ) nhận định trong cuộc gặp tới, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về vấn đề cán cân thương mại, visa H1-B cùng câu chuyện mua bán vũ khí.
Ở chiều ngược lại, hãng tin Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) đánh giá cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, đặc biệt tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, buộc Mỹ tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với các quốc gia như Ấn Độ. Đồng quan điểm, nhà ngoại giao kỳ cựu Ấn Độ G. Parthasarthy nhận định, ông chủ Nhà Trắng “không muốn có một chính sách đối đầu với Ấn Độ” và “dù còn đó một số vấn đề nhỏ, song tôi cho rằng Ấn Độ hoàn toàn có thể kiểm soát được chúng”.
Minh Vương
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/thu-tuong-an-do-tham-my-ban-cu-loi-ich-moi-304119.html