Thủ tướng Ấn Độ thăm Mỹ: Những lời khẳng định 'chắc nịch' của ông Modi

Thủ tướng Ấn Độ thăm Mỹ: Những lời khẳng định 'chắc nịch' của ông Modi
một giờ trướcBài gốc
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và các nhà lãnh đạo Australia, Mỹ, Nhật Bản tham dự Thượng đỉnh nhóm Bộ tứ tại Wilmington, bang Delaware (Mỹ). (Nguồn: Indian Express)
Bộ tứ "không chống lại bất kỳ ai"
Trang Indian Express ngày 23/9 đăng tải bài phân tích của cây viết Shubhajit Roy nhận định về chuyến thăm Mỹ vừa qua của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi với một số điểm nhấn nổi bật. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Modi đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden và tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo nhóm Bộ tứ tại Wilmington, bang Delaware.
Những điểm nhấn nổi bật của chuyến thăm bao gồm, một là, Ấn Độ khẳng định rằng Bộ tứ "không chống lại bất kỳ ai". Thủ tướng Modi kêu gọi ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết hòa bình mọi tranh chấp.
Tại thượng đỉnh Bộ tứ, ông Modi nhấn mạnh: "Một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở, toàn diện và thịnh vượng là ưu tiên chung và cam kết chung của chúng ta. Chúng ta đã cùng nhau thực hiện một số sáng kiến tích cực và toàn diện trong các lĩnh vực như an ninh y tế, công nghệ quan trọng và mới nổi, biến đổi khí hậu và xây dựng năng lực” và “Thông điệp của chúng ta rất rõ ràng: Bộ tứ sẽ tồn tại, hỗ trợ, hợp tác và bổ sung cho nhau”.
Thượng tôn luật pháp quốc tế
Hai là, Thủ tướng Ấn Độ cùng các lãnh đạo Bộ tứ bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông. Trong tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị, các nhà lãnh đạo Bộ tứ nhấn mạnh sự kiên định với luật pháp quốc tế, bao gồm tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, và duy trì hòa bình, an toàn, an ninh và ổn định trong lĩnh vực hàng hải, là nền tảng cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Các nhà lãnh đạo Bộ tứ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, quan ngại trước các diễn biến căng thẳng gần đây tại Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh Phán quyết Trọng tài năm 2016 về Biển Đông là cột mốc quan trọng và cơ sở để giải quyết hòa bình các tranh chấp giữa các bên.
Ba là, các nhà lãnh đạo Bộ tứ đã công bố hợp tác trên nhiều sáng kiến từ y tế đến cơ sở hạ tầng, với mục tiêu chính tập trung vào các dự án như “Quad Cancer Moonshot” khi Ấn Độ cung cấp cho nhiều quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương các bộ dụng cụ lẫy mẫu virus HPV, bộ dụng cụ phát hiện và vaccine ung thư cổ tử cung trị giá 7,5 triệu USD; cam kết từ Viện huyết thanh Ấn Độ, hợp tác với Liên minh vaccine Gavi và Quad, hỗ trợ các đơn đặt hàng lên tới 40 triệu liều vaccine HPV cho khu vực.
Ngoài ra là các sáng kiến trong lĩnh vực an ninh, cơ sở hạ tầng và chất bán dẫn như “Nhiệm vụ quan sát tàu Quad-at-Sea” 2025 nhằm cải thiện khả năng tương tác và thúc đẩy an toàn hàng hải giữa các Lực lượng bảo vệ bờ biển trên khắp khu vực; dự án thí điểm Mạng lưới hậu cần Bộ tứ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; Quan hệ đối tác "Quad Ports of the Future”; Bản ghi nhớ hợp tác về mạng lưới dự phòng chuỗi cung ứng bán dẫn...
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và thừa nhận nhu cầu cấp thiết để Hội đồng mang tính đại diện, toàn diện, minh bạch, hiệu quả, hoạt động hiệu suất, dân chủ và có trách nhiệm hơn thông qua việc mở rộng các loại thành viên thường trực và không thường trực.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Bộ tứ cũng hoan nghênh Các nguyên tắc của Bộ tứ về phát triển và triển khai cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số (DPI) cho khu vực và xa hơn nữa, đồng thời nhất trí khởi động Sáng kiến hàng hải về đào tạo tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (MAITRI).
Đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện
Bốn là, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Modi cho thấy tinh thần mạnh mẽ hơn, gần gũi hơn, năng động hơn của quan hệ Ấn Độ-Mỹ. Trong hội đàm song phương, Thủ tướng Modi đã nói với Tổng thống Biden rằng Ấn Độ và Mỹ hiện nay “có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện bao trùm mọi lĩnh vực, được thúc đẩy bởi các giá trị dân chủ chung, sự hội tụ lợi ích và mối quan hệ nhân dân sôi nổi”.
Đồng thời, Thủ tướng bày tỏ lòng biết ơn với những đóng góp lớn của Tổng thống Biden trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác Ấn Độ-Mỹ.
Trong một bài viết đăng tải trên mạng xã hội X, ông Modi viết: “Tôi cảm ơn Tổng thống Biden đã tiếp đón tôi tại dinh thự của ông ở Greenville, Delaware. Các cuộc hội đàm của chúng tôi cực kỳ hiệu quả. Chúng tôi đã có cơ hội thảo luận về các vấn đề khu vực và toàn cầu trong suốt cuộc họp”.
Sau cuộc hội đàm kéo dài khoảng một giờ, Tổng thống Biden cho biết quan hệ đối tác giữa Mỹ với Ấn Độ mạnh mẽ hơn, chặt chẽ hơn và năng động hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử.
Đây là lần thứ 8 hai nhà lãnh đạo Mỹ và Ấn Độ gặp mặt trực tiếp trong vòng 4 năm qua và cuộc họp ngày 21/9 được coi là “lời tạm biệt” với nhà lãnh đạo Ấn Độ của Tổng thống Biden trên cương vị Tổng thống Mỹ.
Một tuyên bố chính thức được đưa ra ngày 22/9 cho biết Mỹ đã trao trả cho Ấn Độ 297 cổ vật nhân chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi.
Phát biểu trên mạng xã hội X, ông Modi chia sẻ: “Tôi vô cùng biết ơn Tổng thống Biden và Chính phủ Mỹ đã trả lại 297 cổ vật vô giá cho Ấn Độ.” Ông lưu ý rằng những đồ vật này không chỉ là một phần văn hóa lịch sử của Ấn Độ mà còn góp phần hình hình nên những giá trị cốt lõi của nền văn minh đất nước. Sự kiện này đã nâng tổng số cổ vật Ấn Độ thu hồi được kể từ năm 2014 lên tới 640, các quan chức Ấn Độ cho biết thêm rằng riêng số lượng được trả lại từ Mỹ là 578 cổ vật.
Năm là, tình hình Bangladesh cũng đã được trao đổi trong khuôn khổ chuyến thăm. Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Vikram Misri xác nhận các vấn đề liên quan đến Bangladesh đã được thảo luận trong cuộc gặp song phương giữa Thủ tướng Modi và Tổng thống Biden. Tháng trước, hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về Bangladesh tại cuộc điện đàm giữa hai bên. Ông Modi đã nêu bật tình hình của các nhóm thiểu số, bao gồm cả người Hindu ở Bangladesh.
(theo Indian Express)
Vy Anh
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/thu-tuong-an-do-tham-my-nhung-loi-khang-dinh-chac-nich-cua-ong-modi-287465.html