Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ngày 15/7. (Nguồn: Tân Hoa xã)
Australia, đồng minh thân thiết với Mỹ trên mặt trận an ninh, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, đang đứng giữa cuộc cạnh tranh địa chính trị gay gắt. Dù Mỹ vẫn là đồng minh an ninh quan trọng, nhưng các chính sách bảo hộ thương mại và thay đổi liên tục của Tổng thống Donald Trump đã thúc đẩy Australia đa dạng hóa chiến lược và thể hiện cách tiếp cận thực dụng hơn.
Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại các quốc đảo Thái Bình Dương, nổi bật là thỏa thuận an ninh với quần đảo Solomon và hoạt động viện trợ tại Samoa, Tonga, Australia vẫn ưu tiên duy trì mối quan hệ kinh tế ổn định, nhằm giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế có liên kết mật thiết với Bắc Kinh.
Chuyến thăm trùng với cuộc tập trận quân sự lớn nhất lịch sử Australia - Exercise Talisman Sabre, cho thấy Canberra vừa xây dựng thế trận quốc phòng mạnh mẽ, vừa tìm cách mở rộng không gian đối thoại kinh tế - chính trị với Trung Quốc.
Chuyến thăm cũng diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước bước sang năm thứ 11 và chuyển biến tích cực. Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu tôm hùm đá sống - rào cản cuối cùng trong chuỗi căng thẳng thương mại từ 2017.
Kết quả thực chất
Tới Bắc Kinh, Thủ tướng Albanese đồng chủ trì Cuộc họp thường niên cấp cao với Thủ tướng Lý Cường, có các cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình và Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế. Ông cũng tham dự Đối thoại bàn tròn Giám đốc điều hành Australia – Trung Quốc, thăm Thượng Hải và Thành Đô, gặp gỡ đại diện các lĩnh vực kinh doanh, du lịch và thể thao…
Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, trong cuộc gặp người đồng cấp Lý Cường hôm 15/7, hai bên đã đạt các kết quả hợp tác cụ thể.
Thứ nhất, hai bên ký kết sáu thỏa thuận và biên bản ghi nhớ mới. Trong đó có việc “xuất khẩu táo tàu” từ Trung Quốc sang Australia và lần đầu tiên xuất khẩu táo Australia sang Trung Quốc.
Thứ hai, thúc đẩy hợp tác kinh tế đa lĩnh vực. Thủ tướng Albanese dẫn đầu đoàn doanh nghiệp lớn tham gia đối thoại bàn tròn tại Bắc Kinh, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong năng lượng xanh, công nghệ sạch, khử carbon ngành thép, kinh tế số và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.
Thứ ba, xóa bỏ và giảm bớt rào cản thương mại. Trung Quốc cam kết duy trì chính sách mở cửa và không áp dụng các hạn chế nhập khẩu với tôm hùm, lúa mạch, rượu vang, thịt bò, giúp hồi phục hơn 20 tỷ AUD giá trị xuất khẩu hằng năm; đồng thời cam kết tái khởi động, hoàn thiện và nâng cấp Hiệp định thương mại tự do (FTA) hơn 10 năm tuổi giữa hai nước.
Thứ tư, khôi phục liên kết giao lưu nhân dân. Hai bên đạt thỏa thuận hợp tác với Trip.com và các chính sách thuận lợi về thị thực nhằm tăng cường dòng khách du lịch Trung Quốc đến Australia, đồng thời thúc đẩy giao lưu văn hóa, thể thao, giáo dục.
Thứ năm, đối thoại chiến lược được duy trì. Hai bên thống nhất quản lý khác biệt, cùng hướng đến hợp tác vì lợi ích chung và lấy đối thoại là trọng tâm của quan hệ hợp tác.
Phản đối khi cần thiết
Theo Văn phòng Thủ tướng Australia, tinh thần xuyên suốt chuyến thăm được Thủ tướng Albanese mô tả là “hợp tác khi có thể, phản đối khi cần thiết” . Australia thể hiện cam kết duy trì quan hệ kinh tế sâu rộng, đồng thời khẳng định chính sách quốc phòng độc lập, củng cố cam kết truyền thống với Mỹ mà không làm tổn hại quan hệ với Trung Quốc.
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Albanese dẫn theo một phái đoàn doanh nghiệp hàng đầu Australia, phản ánh rõ nét sự liên kết chặt chẽ giữa chính trị - kinh tế trong chiến lược của Australia nhằm khai thác tối đa các cơ hội kinh doanh với Trung Quốc.
Hơn nữa, việc Australia chủ động đề nghị đánh giá lại FTA với Trung Quốc cho thấy mong muốn hiện đại hóa và làm mới các điều khoản hợp tác, thích ứng với chuỗi giá trị và xu hướng thị trường mới như kỹ thuật số, phát triển bền vững, qua đó tạo đà phát triển lâu dài và bền vững. Mặt khác, những vấn đề nhạy cảm như cho thuê cảng Darwin, nhân quyền, an ninh khu vực vẫn được thảo luận trong tinh thần đối thoại xây dựng.
Chiến lược này giúp Australia tránh đối đầu trực diện với Trung Quốc nhưng vẫn giữ lập trường đối với những lợi ích quốc gia cốt lõi. Nó cũng thể hiện cách tiếp cận chủ động cân bằng theo mô hình “can dự linh hoạt” của Australia giữa các liên minh và đối tác, giảm thiểu rủi ro do bất ổn toàn cầu và sự cạnh tranh chiến lược nước lớn.
Thế nhưng, chuyến thăm của ông Albanese dấy lên câu hỏi về vai trò và ảnh hưởng của Mỹ tại Australia trong tương lai gần. Theo khảo sát của Viện Lowy năm 2025, lòng tin và thiện cảm của người dân Australia đối với nước Mỹ đã giảm rõ rệt kể từ cuối năm 2024, với tỷ lệ người tin tưởng rằng Mỹ sẽ ứng xử có trách nhiệm chỉ còn 36%, mức thấp nhất trong lịch sử khảo sát này. Có đến 81% người phản đối chính sách áp thuế thương mại của chính quyền Tổng thống Trump vì lo ngại ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế và sự ổn định chính sách.
Khảo sát mới nhất của Pew Research cho thấy 53% người Australia hiện ủng chính quyền ưu tiên quan hệ kinh tế với Trung Quốc, tăng đáng kể so với 39% năm 2021. Trong khi đó, chỉ 42% chọn ưu tiên quan hệ kinh tế với Mỹ, giảm từ mức 52% năm 2021. Tuy nhiên, thiện cảm chung với Trung Quốc vẫn còn hạn chế, chỉ 23% người Australia thể hiện cảm tình với Trung Quốc.
Có thể thấy, trong bối cảnh cả Bắc Kinh và Canberra đều có nhu cầu “sưởi ấm” quan hệ, chuyến thăm của Thủ tướng Albanese đã đạt được những kết quả thực chất, thúc đẩy đối thoại, giao lưu giữa hai nước dù vẫn còn không ít thách thức.
Vũ Thị Hoài