Tăng trưởng kinh tế của CLMV liên tục đạt mức cao trong khu vực, được dự báo có thể đạt 4,6% trong năm 2024 và 4,7% trong năm 2025. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của 4 nước đạt trên 769 tỷ USD, đóng góp 21,8% tổng giá trị trao đổi thương mại của ASEAN.
Người đứng đầu Chính phủ/Trưởng đoàn các nước CLMV và Tổng Thư ký ASEAN tham dự hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
Các lãnh đạo CLMV khẳng định khát vọng chung về xây dựng một tiểu vùng hòa bình, thịnh vượng và hiện thực hóa mục tiêu trở thành các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, các nước CLMV đứng trước thuận lợi chưa từng có khi thế giới đang bước vào kỷ nguyên liên kết và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, 4 nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả về nguồn vốn, nguồn nhân lực cũng như nguy cơ tụt hậu nếu không kịp thời đổi mới.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tạo đột phá cho hợp tác CLMV để bắt kịp, tiến cùng và vươn lên trên cơ sở phát huy nội lực kết hợp ngoại lực; chỉ có đoàn kết và hợp tác mới giúp 4 nước CLMV vượt qua khó khăn và phát triển bền vững.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam duy trì chương trình học bổng CLMV để tiếp nhận học sinh, sinh viên các nước sang học tập, nghiên cứu ở Việt Nam. Đây là chương trình do Việt Nam khởi xướng và tài trợ từ Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 4, tháng 11/2008. Ảnh: Nhật Bắc
Với tinh thần đó, Thủ tướng đề xuất phương châm “3 mới” trong định hướng hợp tác CLMV, bao gồm:
Quyết tâm mới để tăng cường, xây dựng hợp tác CLMV ngày càng hiệu quả, thực chất hướng đến một khu vực kinh tế CLMV phát triển, tự cường và có sức cạnh tranh cao.
Trọng tâm mới thông qua lựa chọn các lĩnh vực hợp tác mang tính khả thi cao, phù hợp với xu thế mới và bổ trợ hiệu quả cho các cơ chế tiểu vùng Mekong khác. Thủ tướng cho biết xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao là nhiệm vụ trung tâm, là nền tảng cho bước chuyển mình của hợp tác CLMV.
Nguồn lực mới với nội lực là cơ bản, lâu dài, quyết định và ngoại lực là quan trọng, đột phá. Thủ tướng nhấn mạnh bên cạnh việc các Chính phủ gia tăng quan tâm và đầu tư cho hợp tác, cần khuyến khích sự tham gia, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác phát triển vào quá trình thiết kế và triển khai các dự án.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng hợp tác CLMV và sẽ tiếp tục đóng góp hết sức mình để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, láng giềng thân thiện, cùng có lợi, để 4 nước bắt kịp, tiến cùng và vươn lên trong kỷ nguyên phát triển mới.
Việt Nam đóng góp 10 triệu USD cho Quỹ Phát triển ACMECS
Trong chiều nay, Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya – Mekong (ACMECS) lần thứ 10 đã diễn ra với chủ đề “Hướng tới kết nối thông suốt vì một tiểu vùng Mekong hội nhập”.
Người đứng đầu Chính phủ/Trưởng đoàn Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam tham dự hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
Các lãnh đạo nhấn mạnh những đóng góp quan trọng của hợp tác ACMECS trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của người dân tại tiểu vùng Mekong.
Các lãnh đạo hoan nghênh những bước tiến quan trọng trong triển khai Kế hoạch tổng thể ACMECS giai đoạn 2019 – 2023, đặc biệt là hợp tác thương mại – đầu tư, du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển nhân lực.
Nội dung hợp tác nguồn nước Mekong được nêu đậm tại hội nghị. Lãnh đạo 5 nước nhất trí tăng cường hợp tác quản lý bền vững nguồn nước xuyên biên giới, nhất là phối hợp với Ủy hội sông Mekong quốc tế; chia sẻ dữ liệu thủy văn; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm thiên tai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò trung tâm của ACMECS trong hợp tác tiểu vùng Mekong, là cấu phần không thể thiếu của Cộng đồng ASEAN, cửa ngõ kết nối ASEAN với Đông Bắc Á, Đông Nam Á, là cầu nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực, chủ động và sáng tạo vào quá trình phát triển ACMECS, phấn đấu xây dựng “một ACMECS mạnh vì một ASEAN đoàn kết, thống nhất trong đa dạng và phát triển đồng đều”.
Thủ tướng: Thế giới đang bước vào kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo, mở ra vận hội mới có ý nghĩa then chốt cho sự phát triển của từng quốc gia cũng như cả tiểu vùng. Ảnh: Nhật Bắc
Hợp tác ACMECS giai đoạn tới cần hội tụ tinh thần “5 chung” là khát vọng chung, tầm nhìn chung, quyết tâm chung, tiếng nói chung và hành động chung. Với quan điểm như vậy, Thủ tướng đã đề xuất 5 nội dung để hợp tác ACMECS bứt phá.
Một là, tư duy gắn kết hành động, bảo đảm thông suốt từ xây dựng chiến lược đến triển khai thực tế. Thủ tướng thông báo Việt Nam sẽ đóng góp 10 triệu USD cho Quỹ Phát triển ACMECS.
Hai là, truyền thống gắn kết hiện đại, bảo đảm sự phát triển đồng bộ, hài hòa giữa lĩnh vực kinh tế truyền thống với lĩnh vực công nghệ mới, hiện đại.
Ba là, tăng trưởng nhanh gắn kết bền vững với trọng tâm thúc đẩy chuyển đổi xanh, xây dựng kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.
Bốn là, quốc gia gắn kết khu vực và quốc tế, cần tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, dịch vụ và đi lại của người dân giữa 5 nước...
Năm là, gắn kết Chính phủ với người dân và doanh nghiệp.
Sáu là, gắn kết giữa phát triển với duy trì ổn định, bảo đảm an ninh.
Trần Thường