Công điện gửi các Bộ trưởng: Công an, Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu theo phản ánh của báo chí, vừa qua các cơ quan chức năng đã phát hiện một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, quảng cáo, phân phối nhiều loại sữa giả; nhiều người tiêu dùng đã tỏ ra lo lắng, bất an vì đã lỡ mua, sử dụng các sản phẩm sữa này.
Việc quản lý an toàn thực phẩm, phòng chống thực phẩm giả đã được Chính phủ giao cho các Bộ, cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định.
Cơ quan chức năng đã phát hiện 573 nhãn hiệu sữa giả
Nhằm tăng cường trách nhiệm của các Bộ, cơ quan, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm, ngăn ngừa thực phẩm giả trong đó có sữa giả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm đưa ra kết luận về vụ việc sản xuất, buôn bán sữa giả nêu trên để thông tin cho người tiêu dùng và đưa các đối tượng vi phạm ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương tăng cường công tác quản lý thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, trong đó có sữa giả.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức rà soát, xử lý các sai phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm trên báo chí, trên môi trường mạng, trên các xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan liên quan rà soát quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sữa và có biện pháp xử lý phù hợp, đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành trong trường hợp cần thiết.
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện rà soát, kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm sản phẩm sữa trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.
Các Bộ: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, tăng cường các biện pháp quản lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm.
Trước đó, như Sức khỏe và Đời sống đưa tin tối 12/4, Bộ Công an thông tin về việc Cơ quan CSĐT đang tiến hành điều tra vụ án "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" xảy ra tại Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group, các cơ quan, tổ chức liên quan trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Theo Bộ Công an, quá trình tổ chức khám xét 19 địa điểm là nhà máy sản xuất, văn phòng làm việc của các đối tượng, thu giữ 84 loại sản phẩm sữa bột khác nhau với số lượng 26.740 lon/90 lô sản xuất và nhiều tài liệu, đồ vật phục vụ công tác điều tra.
Đến thời điểm hiện tại, đường dây này đã sản xuất tổng cộng 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại, bao gồm cả các sản phẩm dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Mặc dù trên nhãn mác công bố các thành phần giá trị như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó..., nhưng thực tế điều tra cho thấy hoàn toàn không có những chất này trong sản phẩm.
Các đối tượng đã tự ý bỏ bớt nguyên liệu đầu vào, thay thế và bổ sung thêm các chất phụ gia không đúng quy định. Cơ quan công an xác định chất lượng của một số chỉ tiêu trong sữa bột chỉ đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ căn cứ để kết luận đây là hàng giả
Thái Bình - Lê Bảo