Thủ tướng chỉ đạo giải quyết dứt điểm vướng mắc của hơn 1.500 dự án tồn đọng

Thủ tướng chỉ đạo giải quyết dứt điểm vướng mắc của hơn 1.500 dự án tồn đọng
2 ngày trướcBài gốc
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án tồn đọng. Ảnh: VGP
Theo Bộ Tài chính, tính đến 25-3, có 1.533 dự án gặp khó khăn, gồm 338 dự án đầu tư công, 1.126 dự án đầu tư ngoài ngân sách và 69 dự án PPP. Ngoài ra, 12 dự án được doanh nghiệp phản ánh trực tiếp, baochinhphu.vn đưa tin.
Bộ đã phân loại các vướng mắc thành 17 nhóm, liên quan đến xử lý tài sản công, bố trí vốn đầu tư công, chuyển mục đích sử dụng đất, dừng hoặc thu hồi dự án, phân loại theo thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, bộ ngành và địa phương.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm 1.533 dự án đã báo cáo, đồng thời xử lý các dự án phát sinh theo nguyên tắc “rõ tới đâu, làm tới đó”, đảm bảo chắc chắn, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội.
Những vấn đề đặc thù, cần đề xuất cơ chế xử lý riêng, các thủ tục xử lý dự án phải cố gắng hoàn thành trước ngày 30-5.
Đối với các dự án vướng mắc về mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở, giải quyết dứt điểm, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân. Việc hỗ trợ cần căn cứ vào luật pháp, điều kiện thực tế và khả năng của địa phương, đồng thời có chính sách phù hợp cho các đối tượng khó khăn. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chây ỳ.
Với các dự án gặp khó khăn về quy hoạch, Thủ tướng chỉ đạo rà soát kỹ, đặc biệt là các quy hoạch chuyên ngành, để đảm bảo đồng bộ với hệ thống quy hoạch chung.
Đối với các dự án, đất đai gặp vướng mắc theo kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án, Thủ tướng yêu cầu đề xuất Quốc hội cho phép địa phương, bộ, ngành áp dụng chính sách đặc thù theo Nghị quyết 170 và 171 với các trường hợp tương tự.
Với các dự án có sai phạm nhưng đã triển khai cơ bản, khó thu hồi, cần đề xuất giải pháp tháo gỡ, cho thời hạn khắc phục, đảm bảo hiệu quả, nhân văn, ưu tiên biện pháp kinh tế, dân sự, hành chính trước. Việc xử lý phải minh bạch, không bỏ sót sai phạm, không gây thất thoát tài sản nhà nước, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
Với những dự án vướng mắc chưa có quy định pháp luật điều chỉnh và không thể áp dụng cơ chế đặc thù, cần nghiên cứu, đề xuất Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị quyết xử lý các nhóm vấn đề thuộc thẩm quyền, đồng thời lập hệ thống cơ sở dữ liệu về các dự án gặp khó khăn, vướng mắc kéo dài để phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp hiệu quả. Bộ cũng cần hướng dẫn chung về biểu mẫu, đề cương báo cáo cho các bộ, ngành, địa phương.
Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ được yêu cầu sớm trình Thủ tướng ban hành công điện thứ 3 nhằm chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, phân loại các dự án tồn đọng. Việc chậm báo cáo sẽ phải chịu trách nhiệm khi cơ quan chức năng kiểm tra.
Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động tháo gỡ khó khăn cho các dự án trong phạm vi thẩm quyền, phối hợp chặt chẽ, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên xem xét, quyết định.
Bình Dương
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/thu-tuong-chi-dao-giai-quyet-dut-diem-vuong-mac-cua-hon-1-500-du-an-ton-dong/