Thủ tướng yêu cầu thống nhất nhận thức về tầm quan trọng của các dự án đường sắt. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Tối 29/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh hàng loạt nghị quyết quan trọng về đầu tư hạ tầng đường sắt vừa được Quốc hội thông qua, đặt nền móng cho việc phát triển hệ thống giao thông đường sắt hiện đại, kết nối nội địa và quốc tế.
Ưu tiên đầu tư các dự án đường sắt chiến lược
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị cùng các chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của đường sắt. Đây là lĩnh vực cần được ưu tiên đầu tư, đặc biệt là các tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt kết nối với cảng biển, khu công nghiệp, đô thị lớn và các tuyến liên vận quốc tế.
Chỉ trong vòng 4 tháng (tháng 11/2024 đến tháng 2/2025), Quốc hội đã ban hành 3 nghị quyết quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển đường sắt, gồm Nghị quyết chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP.HCM.
Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Việc triển khai các công trình đường sắt mới đòi hỏi quy mô đầu tư rất lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, đặc biệt với đường sắt tốc độ cao - một lĩnh vực lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam.
Để bảo đảm tiến độ và hiệu quả đầu tư, Thủ tướng đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia trong lĩnh vực đường sắt, đồng thời ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Ban.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, danh mục các công trình, dự án gồm đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; các tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn, Móng Cái - Hạ Long (Quảng Ninh) và các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM.
Trong đó, Hà Nội dự kiến xây dựng 15 tuyến đường sắt đô thị; TP.HCM có 10 tuyến.
Hình thành các tập đoàn lớn về công nghiệp đường sắt
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư phát triển ngành công nghiệp đường sắt, coi đây là yếu tố quyết định đến sự thành công của hệ thống giao thông vận tải quốc gia.
"Chúng ta phải có tư duy vượt ra khỏi giới hạn, thoát khỏi lối mòn để xây dựng ngành công nghiệp đường sắt hiện đại. Việt Nam cần làm chủ công nghệ, sản xuất được toa xe, đầu máy và phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt", Thủ tướng nhấn mạnh.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Bộ Xây dựng cùng Bộ Giáo dục & Đào tạo xây dựng đề án đào tạo nhân lực, bao gồm đào tạo trong và ngoài nước, phát triển các khoa đường sắt tại các trường đại học, đặc biệt là đào tạo tổng công trình sư.
Cùng với đó, hình thành, thành lập các tập đoàn lớn, kể cả tập đoàn tư nhân, liên quan tới ngành công nghiệp đường sắt, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định, sửa đổi các quy định liên quan.
Về huy động vốn, Chính phủ sẽ đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, bao gồm vốn Nhà nước, vốn vay, phát hành trái phiếu công trình, hợp tác công tư (PPP) và khai thác mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông). Thủ tướng yêu cầu quản lý chặt chẽ nguồn vốn để tránh thất thoát, lãng phí.
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Xây dựng được giao xây dựng bộ tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện Việt Nam, ứng dụng công nghệ hiện đại và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật tiên tiến.
Bộ Xây dựng chủ trì rà soát, đề xuất Quốc hội sửa đổi hoặc bổ sung các chính sách còn thiếu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án.
Về phía các địa phương, Thủ tướng yêu cầu chủ động lập kế hoạch chi tiết, sử dụng nguồn ngân sách địa phương để giải phóng mặt bằng và triển khai khu tái định cư. Các bộ ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện cơ chế pháp lý để thúc đẩy tiến độ dự án.
Chỉ đạo với các dự án cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước cho dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Đồng thời, Thủ tướng đồng ý khởi công gói thầu xây dựng hạ tầng ga Lào Cai mới và các khu tái định cư của dự án trong năm 2025. Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, trên cơ sở báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, làm việc với phía Trung Quốc để đàm phán Hiệp định. Đồng thời, thúc đẩy dự án tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn và Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái.
Với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Thủ tướng yêu cầu cố gắng khởi công vào tháng 12/2026. Bộ Tư pháp có ý kiến về áp dụng theo trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành Nghị định về thiết kế tổng thể trong đầu tháng 4 năm nay; đồng thời các bộ, ngành kịp thời có ý kiến sau khi Bộ Xây dựng xin ý kiến về dự thảo Nghị định.
Với các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM, Thủ tướng yêu cầu UBND hai địa phương rà soát tình hình triển khai các dự án trên địa bàn. Bộ Tài chính sớm có ý kiến về việc dừng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đối với dự án và điều chỉnh nguồn vốn cho dự án metro số 2 Bến Thành - Tham Lương của TP.HCM.
Hồng Nhung