Sáng 8-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, chủ trì Hội nghị trực tuyến phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo. Ảnh: VGP
Tại phiên họp, các bộ, ngành, địa phương báo cáo cụ thể tình hình triển khai những dự án về: Công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi; lập thiết kế kỹ thuật; công tác giải phóng mặt bằng; xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về đường sắt tốc độ cao; xây dựng phương án lựa chọn phương thức đầu tư…
Nhìn chung, việc triển khai các nhiệm vụ đang được triển khai tích cực. Trong đó, chuẩn bị các điều kiện để khởi công dự án tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào tháng 12-2025 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hà Nội, TP.HCM triển khai thực hiện các dự án theo Nghị quyết về cơ chế đặc thù
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, một số nhiệm vụ chưa đáp ứng yêu cầu.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở, Ban Chỉ đạo thực hiện chỉ đạo, đôn đốc, thống nhất chủ trương, còn các Bộ, ngành, các địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, ban hành cụ thể hóa các quyết định theo luật pháp để thực hiện đảm bảo tiến độ.
Những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét. Riêng Hà Nội, TP.HCM triển khai thực hiện các dự án theo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù, đặc biệt dành cho 2 địa phương; nếu có vướng mắc vượt thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ xem xét.
Thủ tướng nhấn mạnh, các công trình đường sắt góp phần tạo ra không gian phát triển mới; tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa. Do đó, phải nỗ lực thực hiện, đảm bảo các mục tiêu đã đề ra, theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, trên cơ sở khoa học, an toàn, hiệu quả, chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng, lợi ích nhóm; triển khai nhiều nhiệm vụ một lúc nhưng có thứ tự ưu tiên.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan trước ngày 20-7; Bộ KH&CN hoàn thành việc thẩm định, công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn trước ngày 10-8, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng.
Trên cơ sở đó, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, các cơ quan đề xuất phương thức đầu tư dự án theo quy định của Luật hiện hành.
Đồng loạt giải phóng mặt bằng 2 dự án đường sắt lớn vào dịp 19-8
Về công tác giải phóng mặt bằng, Thủ tướng chỉ rõ, đã tách khỏi dự án đầu tư và giao các tỉnh, thành phố. Do đó, các địa phương, nhất là người đứng đầu phải chủ động triển khai, chỉ đạo các xã, phường và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tổ chức thực hiện; các cơ quan sớm bàn giao hướng tuyến có tính đến sự phát triển để các đơn vị triển khai những bước tiếp theo.
Thủ tướng yêu cầu đồng loạt giải phóng mặt bằng 2 dự án đường sắt lớn vào dịp 19-8. Ảnh: VGP
Nhấn mạnh, phải chủ động khảo sát địa chất, xây dựng hướng tuyến, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tổ chức ra quân đồng loạt triển khai giải phóng mặt bằng tuyến đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam vào dịp 19-8 để hoàn thành chậm nhất vào cuối năm 2026.
Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao thúc đẩy sớm họp Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam- Trung Quốc về các dự án đường sắt kết nối theo chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành chủ động phương án, huy động nguồn lực tài chính cho các dự án; yêu cầu các bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo rà soát, nếu còn khó khăn, vướng mắc về thể chế thì báo cáo trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Trong đó giao Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc liên quan quy định vốn ODA.
Hiện nay, cả nước đang triển khai các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt gồm: dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; dự án tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn và Hải Phòng - Móng Cái; dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM.
Tại phiên họp lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ chỉ ra 3 nhiệm vụ trọng tâm và giao 48 nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương để tập trung thực hiện, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Đến nay các cơ quan, địa phương đã hoàn thành 23 nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu; 17 nhiệm vụ là công việc chỉ đạo, điều hành thường xuyên đang triển khai thực hiện; 7 nhiệm vụ chưa đáp ứng tiến độ và 1 nhiệm vụ chưa đến hạn.
MINH TRÚC