Thủ tướng chỉ đạo nóng, quyết liệt giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các địa phương tập trung rà soát tháo gỡ các "điểm nghẽn", hoàn thiện thể chế về bảo vệ môi trường để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi và phù hợp với việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và mô hình chính quyền 3 cấp; quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các chiến lược, đề án, dự án, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường thuộc trách nhiệm và phạm vi quản lý bảo đảm nguyên tắc "6 rõ", ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực xã hội để giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền; tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và huy động nguồn lực tư nhân, hợp tác công tư trong công tác bảo vệ môi trường; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan và hợp tác quốc tế để giải quyết có hiệu quả các vấn đề môi trường liên vùng, liên khu vực.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá, kiểm điểm tiến độ, kết quả thực hiện các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; đề xuất chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc đối với các nhiệm vụ chưa triển khai, chậm tiến độ, để kéo dài, đặc biệt là các nhiệm vụ trực tiếp giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, giao rõ thời hạn để thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ, không để chậm trễ, kéo dài, lãng phí (Hoàn thành trong Quý III/2025).
Tham mưu, kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá để tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, bảo đảm giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vấn đề môi trường cấp bách, nhất là ô nhiễm môi trường tại các đô thị, làng nghề, lưu vực sông và hệ thống thủy lợi; trong đó, tham mưu sửa đổi, bổ sung nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường theo hướng tăng mức phạt, bổ sung thẩm quyền xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả về môi trường cho các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phù hợp với mô hình chính quyền 3 cấp, thẩm quyền của lực lượng Công an nhân dân trong xử phạt tất cả các vi phạm hành chính về môi trường, bổ sung các biện pháp xử lý, cưỡng chế thi hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính (như: tạm thời ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước, hạ mức xếp hạng tín dụng… đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường kéo dài, nghiêm trọng, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng và trật tự, an toàn xã hội) bảo đảm bảo sức răn đe, phòng ngừa đối với các hành vi trực tiếp, liên quan đến gây ô nhiễm môi trường (Hoàn thành trong năm 2025).
Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia, tích hợp, đồng bộ vào Trung tâm dữ liệu quốc gia. Trước mắt, tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục tại các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguồn thải lớn, chất lượng môi trường tại các đô thị lớn, kết nối, chia sẻ với Bộ Công an để phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường (Hoàn thành trong năm 2025).
Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất hoàn thiện chính sách về thuế, phí bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và pháp luật có liên quan nhằm huy động nguồn kinh phí đầu tư cho công tác phục hồi môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường (Hoàn thành trong Quý IV/2025).
Cập nhật danh sách các cơ sở gây ô nhiễm, khu vực, địa điểm ô nhiễm môi trường
Bộ Công an tăng cường nắm tình hình, thường xuyên rà soát, bổ sung, cập nhật danh sách các cơ sở gây ô nhiễm, khu vực, địa điểm ô nhiễm môi trường trên phạm vi toàn quốc và chỉ đạo kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm, triệt để tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. Trong quá trình đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, phải chú ý mở rộng điều tra, xác minh các hành vi thiếu trách nhiệm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, các đối tượng, hành vi có mục đích chống đối, gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Phát hiện, kiến nghị, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương giải quyết triệt để theo thẩm quyền tình trạng ô nhiễm môi trường ở các đô thị, làng nghề, lưu vực sông, khu vực tập trung các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khu dân cư tập trung, đặc biệt là ở thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, không để xảy ra tình trạng phạm tội, vi phạm pháp luật về môi trường phức tạp. Chỉ đạo, hướng dẫn Công an cấp xã thực hiện đầy đủ, có hiệu quả thẩm quyền điều tra hình sự, xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường (Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trong Quý III/2025).
Tập trung rà soát, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, tính răn đe, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật. Tiếp tục nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường phù hợp yêu cầu thực tiễn, bảo đảm thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường toàn diện, có hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả cao.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu, đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách để thực hiện việc trích kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, kinh phí sự nghiệp môi trường và các nguồn khác để tăng cường đầu tư cho các lực lượng chuyên trách trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường và thưởng cho người tố giác, cung cấp thông tin về tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường (Báo cáo đề xuất trong Quý IV/2025).
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường thông qua thiết lập đường dây nóng, tài khoản Zalo an ninh, ứng dụng VNeID; hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Ủy ban nhân dân các địa phương kết nối thông tin, dữ liệu đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, quan trắc, cảnh báo môi trường để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường. Đẩy mạnh triển khai và khai thác dữ liệu từ hệ thống camera an ninh, camera giám sát tại các tuyến đường giao thông, các khu vực tập trung nguồn thải, các khu vực nhạy cảm về môi trường để kịp thời phát hiện các hiện tượng, sự việc, hành vi gây ô nhiễm môi trường và tiến hành xác minh, điều tra, xử lý vi phạm (Có kế hoạch triển khai thực hiện từ Quý III/2025).
Khẩn trương hoàn thiện, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện giao thông đường bộ
Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường bảo đảm cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm, kịp thời, có hiệu quả, đủ sức răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và phù hợp với thực tế tổ chức bộ máy của các cơ quan ở Trung ương, địa phương.
Khẩn trương hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương liên quan tích hợp dữ liệu xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi và thẩm quyền quản lý, tích hợp đồng bộ vào Trung tâm dữ liệu quốc gia và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác để phục vụ có hiệu quả ngay trong công tác quản lý nhà nước, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường (Hoàn thành trong năm 2025).
Bộ Xây dựng tập trung thực hiện có lộ trình cụ thể trong năm 2025 và các năm tiếp theo các giải pháp đẩy nhanh xây dựng hệ thống giao thông công cộng, hạn chế sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân ở các đô thị lớn, thúc đẩy sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường; tăng cường kiểm soát khí thải đối với xe cơ giới, khẩn trương hoàn thiện, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Thực hiện từ Quý III/2025).
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, bổ sung các quy định để thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của phương tiện giao thông (Hoàn thành trong Quý III/2025); rà soát tổng thể và bảo đảm có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động liên quan đến phát triển giao thông xanh (Hoàn thành trong Quý IV/2025).
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất và chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp môi trường
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất và chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp môi trường; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong các khu, cụm công nghiệp, việc nhập khẩu phương tiện, máy móc đã qua sử dụng, phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (Có kế hoạch cụ thể thực hiện từ Quý III năm 2025).
Công khai danh sách các cơ sở sản xuất phải lắp đặt, đã lắp đặt, chưa lắp đặt thiết bị quan trắc môi trường liên tục tự động
Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền, nhất là người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, đưa vào nội dung đánh giá, kiểm điểm định kỳ công tác chỉ đạo, điều hành, phân loại cán bộ, bình xét thi đua; kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý.
Chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra kịp thời đối với các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật về môi trường, nhất là đối với các đối tượng có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường đất, không khí, nguồn nước, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động về quản lý, xử lý chất thải, nước thải, khí thải; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Công khai danh sách các cơ sở sản xuất phải lắp đặt, đã lắp đặt, chưa lắp đặt thiết bị quan trắc môi trường liên tục tự động trên các phương tiện thông tin đại chúng và cổng thông tin điện tử của địa phương. Đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở chưa hoàn thành việc lắp đặt phải khẩn trương hoàn thành lắp đặt và truyền dữ liệu quan trắc liên tục tự động theo quy định. Công khai nội dung, tiến độ, thời hạn thực hiện các chương trình, đề án, dự án giải quyết các vấn đề về môi trường để các cơ quan, tổ chức, nhân dân tham gia phản biện, giám sát việc thực hiện (Thực hiện đầy đủ từ Quý III/2025).
Chủ động đầu tư lắp đặt và khai thác hệ thống camera an ninh, camera giám sát; đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với hệ thống camera an ninh, camera giám sát của Bộ Công an trong công tác giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm về môi trường. Xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước tự động, trực tuyến, công bố trên cổng/trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Ủy ban nhân dân cấp xã có liên quan và đồng bộ với hệ thống giám sát của quốc gia (Triển khai thực hiện từ Quý III/2025 và có lộ trình cụ thể để hoàn thiện trong năm 2026).
Bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương, kết hợp đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực quốc tế để xử lý và khắc phục nguồn ô nhiễm đối với các khu vực ô nhiễm, cơ sở gây ô nhiễm môi trường; đồng thời có chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện để cơ sở gây ô nhiễm môi trường thực hiện xử lý triệt để; dành nguồn lực đất đai và cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng chuyển đổi xanh, sản xuất phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, hoạt động tái chế chất thải theo mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng hiệu quả chất thải và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường từ hoạt động tái chế (Triển khai thực hiện từ Quý III/2025 và có lộ trình cụ thể các năm tiếp theo).
Nghiên cứu đề xuất nâng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải hoặc giá dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải và có cơ chế sử dụng nguồn kinh phí này chủ yếu để đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung (Thực hiện từ năm 2025).
Tập trung tối đa nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án, dự án, các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường nhằm sớm đạt được các mục tiêu kiểm soát, khắc phục ô nhiễm trong năm 2025 và phấn đấu hoàn thành trước năm 2030...
Xuân An