Công điện được gửi đến Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các cơ quan trung ương khác; cùng Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, ngay từ đầu năm 2025, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo mạnh mẽ yêu cầu các cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương thực hiện phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Đến ngày 15/3/2025, tỷ lệ phân bổ chi tiết đã đạt 93,69% và đến cuối tháng 4 đã tăng lên gần 99% kế hoạch được Thủ tướng giao. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 8.263 tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết. Về tiến độ giải ngân, đến hết tháng 4/2025, cả nước mới giải ngân được 15,56% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm trước (16,64%).
Đặc biệt, còn tới 24 bộ, cơ quan trung ương và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình; trong đó có 9 bộ chưa giải ngân đồng nào và 12 địa phương giải ngân chưa đến 10%.
Trước bối cảnh thế giới đang tiếp tục biến động phức tạp, đặc biệt là tác động của các chính sách thuế quan và căng thẳng thương mại toàn cầu, việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công trở thành nhiệm vụ mang tính chiến lược, cấp bách và trọng tâm của Chính phủ.
Việc đẩy nhanh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công không chỉ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy các cân đối lớn và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, lãnh đạo các cơ quan trung ương và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, các nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Quyết định số 1508/QĐ-TTg và các công điện, chỉ thị liên quan.
Công tác phân bổ vốn phải đúng trọng tâm, phù hợp năng lực thực hiện và không được để tình trạng chậm trễ tiếp diễn. Các cơ quan cần khẩn trương đề xuất phương án xử lý phần vốn chưa phân bổ và cập nhật thông tin đầy đủ lên hệ thống đầu tư công quốc gia.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia, dự án đường cao tốc, liên vùng... theo hướng linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả.
Việc giải ngân vốn phải gắn với yêu cầu bảo đảm chất lượng dự án, tuyệt đối không để xảy ra thất thoát, tiêu cực hay vi phạm pháp luật. Đặc biệt, công tác giám sát hiện trường, đôn đốc tiến độ thi công và giải phóng mặt bằng cần được ưu tiên cao.
Thủ tướng yêu cầu từng dự án phải có kế hoạch giải ngân chi tiết theo tháng, quý và phân công rõ lãnh đạo phụ trách theo dõi. Từng người, từng việc, từng kết quả phải được xác định cụ thể, đúng theo nguyên tắc “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian và rõ kết quả. Chính quyền các cấp phải chủ động rà soát, điều chuyển vốn từ các dự án chậm sang các dự án có tiến độ khả thi hơn. Việc kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân để xảy ra chậm trễ cũng phải được tiến hành nghiêm túc theo đúng quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công. Những đơn vị, cá nhân cố tình chậm trễ hoặc để xảy ra sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Các dự án ODA cần được theo dõi sát tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn phát sinh. Đối với vốn cân đối ngân sách địa phương, lãnh đạo các tỉnh, thành cần đẩy mạnh thu ngân sách, nhất là thu từ đất đai để đảm bảo kế hoạch vốn đầu tư công. Các chương trình mục tiêu quốc gia cần được rà soát toàn diện, đặc biệt là ở cấp xã – nơi thường gặp nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp và đề xuất phương án điều chỉnh vốn giữa các bộ, ngành và địa phương, trình cấp có thẩm quyền trước ngày 25/5/2025.
Đồng thời, Bộ cần theo dõi sát sao tình hình giải ngân, báo cáo kịp thời để Thủ tướng có biện pháp điều hành linh hoạt, sát thực tiễn. Kho bạc Nhà nước được giao nhiệm vụ bảo đảm thanh toán kịp thời, đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến để giảm thiểu thời gian và chi phí cho các chủ đầu tư.
Song song đó, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành liên quan cần chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật còn vướng mắc và đề xuất sửa đổi, bổ sung trong tháng 5/2025 để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho quá trình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công.
Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, sát sao từ Chính phủ, nhiệm vụ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 được xác định là yếu tố then chốt để duy trì đà tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Sự phối hợp đồng bộ, nghiêm túc giữa các bộ, ngành, địa phương và sự vào cuộc mạnh mẽ của người đứng đầu là yếu tố quyết định cho thành công của kế hoạch đầu tư công trong năm bản lề này.
Hùng Nguyễn