Sáng 20/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công (ĐTC) năm 2025 được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện các cơ quan của Đảng, Quốc hội; đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, Ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước.
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định có các đồng chí: Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Lan Anh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Theo Bộ Tài chính, năm 2025, tổng số vốn ĐTC được Quốc hội quyết nghị hơn 829 nghìn tỷ đồng; đã phân bổ cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương gần 826 nghìn tỷ đồng. Đến ngày 30/4/2025, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch ĐTC năm 2025 chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án gần 818 nghìn tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tính đến 30/4/2025, cả nước giải ngân ĐTC hơn 128 nghìn tỷ đồng, đạt 15,56%. Trong số đó, giải ngân vốn ngân sách Trung ương khoảng 46.694 tỷ đồng, đạt 13,33%; giải ngân vốn ngân sách địa phương khoảng 81.818,9 nghìn tỷ đồng, đạt 17,2%; giải ngân vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia 4.707,3 tỷ đồng, đạt 21,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong 4 tháng đầu năm 2025, có 10 bộ, cơ quan Trung ương và 35 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, có một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa giải ngân hoặc giải ngân thấp.
Tại Nam Định, tính đến ngày 30/4/2025, tổng giá trị giải ngân vốn ĐTC đạt 2.190,874 tỷ đồng, tương đương 27,24% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Ước tính đến hết tháng 5/2025, sẽ đạt 3.837,276 tỷ đồng, bằng 47,72% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. So với quy mô kế hoạch vốn lớn mà tỉnh đã tự bổ sung và phê duyệt (13.646,291 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân ước đạt 28,23% là kết quả thể hiện nỗ lực rất lớn trong bối cảnh còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ triệt để.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, đánh giá tình hình, những mặt tích cực, kết quả đạt được, những mặt tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, những vướng mắc, điểm nghẽn; chia sẻ những kinh nghiệm quý, bài học hay và xác định các giải pháp, nhiệm vụ để thúc đẩy ĐTC năm 2025, phấn đấu giải ngân theo kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trong bối cảnh các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo còn đang trong giai đoạn hình thành và chưa phát huy hiệu quả, thì việc củng cố các động lực truyền thống là cấp thiết. Tuy nhiên, tiêu dùng và xuất khẩu hiện gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, xung đột địa chính trị và biến đổi khí hậu. Vì vậy, ĐTC được xác định là yếu tố dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực cho phát triển. Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hàng tháng đều tổ chức các hội nghị, cuộc họp liên quan vấn đề thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC; ban hành các chỉ thị, công điện… nhưng vấn đề này vẫn vướng.
Với mục tiêu giải ngân 100% vốn ĐTC trong năm 2025 (mục tiêu trước đây là 95%), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải đánh giá thẳng thắn để khen thưởng các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác giải ngân vốn ĐTC. Các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương chậm giải ngân vốn ĐTC phải làm rõ trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của từng bộ phận, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu; quyết liệt tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn. Các tổ công tác của Chính phủ vừa phải đi nắm tình hình, vừa phải đi lãnh đạo, chỉ đạo, phải bắt mạch đúng để có giải pháp phù hợp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp từ Trung ương tới địa phương phải quyết liệt vào cuộc, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo hơn nữa, thể hiện tinh thần trách nhiệm với đất nước, công việc, không để tình trạng “có tiền mà không tiêu được”; phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ thẩm quyền”; các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước phải chủ động trong thúc đẩy đầu tư. Mỗi cán bộ, đảng viên, lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền phải nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC. Tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương với tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm"; phải đổi mới phân cấp, phân quyền theo hướng nâng cao năng lực thực thi, cấp trên tăng cường hỗ trợ cấp dưới, tăng cường giám sát, cắt giảm các khâu trung gian, các bộ, ngành không nên sa vào những việc cụ thể. Phải tiếp tục đề xuất sửa đổi các vướng mắc của thể chế theo hướng vướng mắc đến đâu tháo gỡ, giải quyết đến đấy; phải thiết kế công cụ, có nguyên tắc đo lường thường xuyên công tác giải ngân vốn ĐTC./.
Tin, ảnh: Thanh Thúy