Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí

Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí
7 giờ trướcBài gốc
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, phiên họp thứ nhất trong bối cảnh rất đặc biệt là tổ chức bộ máy mới tinh gọn hơn của Chính phủ đã được thành lập và chuẩn bị chính thức đi vào hoạt động. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, công tác phòng, chống lãng phí luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang đứng trước cơ hội lịch sử để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: CHÍ BẢO
Công tác phòng, chống lãng phí được xem là một trong những yếu tố then chốt để gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp. Ngày 25/12/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Sau Hội nghị Trung ương 10, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng đã được kiện toàn, bổ sung thêm chức năng về "phòng, chống lãng phí" và đổi tên thành Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Một lần nữa cho thấy Trung ương đang rất coi trọng và quan tâm đối với công tác này.
Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, thời gian qua, Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo, hành động quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn, gây lãng phí nguồn lực nền kinh tế. Trong đó, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, cơ chế; giải quyết các điểm nghẽn gây lãng phí nguồn lực của nền kinh tế, nhất là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đất đai, năng lượng tái tạo, tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nhà, đất tại các doanh nghiệp nhà nước, chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng thương mại yếu kém, xử lý toàn bộ 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành Công Thương trước đây…
Những công việc đã và đang làm vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, bước đầu góp phần chống lãng phí.
Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều việc phải làm do lãng phí diễn ra khá phổ biến dưới nhiều dạng, hình thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển, nhất là trong lĩnh vực như quản lý tài chính, tín dụng, tài sản công, đầu tư công, đất đai, tài nguyên khoáng sản, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quản lý sử dụng lao động và thời gian lao động… Lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Chính vì vậy, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí để giải quyết, xử lý dứt điểm các điểm nghẽn gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực của nền kinh tế, tạo chuyển biến mới, có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với công tác này.
Tại phiên họp, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương chia sẻ về tình trạng lãng phí đất đai và đề xuất thực hiện giải pháp tháo gỡ những dự án khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài ở nhiều địa phương gây nhiều hệ lụy; rà soát việc sử dụng trụ sở các cơ quan nhà nước, việc sắp xếp tài sản, cơ sở vật chất sau khi sáp nhập, tránh lãng phí trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị…
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu và đề xuất của các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Tiếp tục kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo mới sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2025 và phân công nhiệm vụ từng thành viên Ban Chỉ đạo. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm và 5 phương châm phòng, chống lãng phí trong thời gian tới, là xem phòng, chống lãng phí là một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, cơ quan chủ quản và sự vào cuộc của nhân dân, doanh nghiệp. Phòng, chống lãng phí không có giới hạn thời gian, không gian. Phòng, chống lãng phí phải gắn kết chặt chẽ với việc tinh giản bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, viên chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức; đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà không cần thiết. Phòng, chống lãng phí phải gắn với sự phát triển của đất nước. Phòng, chống tham nhũng gắn với việc cải cách thể chế, đào tạo nguồn nhân lực...
CHÍ BẢO
Nguồn Sóc Trăng : https://baosoctrang.org.vn/thoi-su/202502/thu-tuong-chinh-phu-chu-tri-phien-hop-thu-nhat-ban-chi-ao-phong-chong-lang-phi-f730ce5/