Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự phiên Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam – WEF

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự phiên Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam – WEF
14 giờ trướcBài gốc
Sáng 21/1 (theo giờ địa phương), tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam tham dự và phát biểu tại Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 55 với chủ đề: Giải phóng tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam: Thúc đẩy đầu tư và đổi mới sáng tạo vì một tương lai hùng cường.
Tham dự đối thoại có Giám đốc khu vực châu Á- Thái Bình Dương WEF Joo-Ok Lee cùng hơn 60 lãnh đạo Tập đoàn toàn cầu là thành viên WEF. Đây là một trong số ít các hoạt động đối thoại quốc gia được tổ chức tại Hội nghị WEF Davos năm nay và là Phiên Đối thoại chiến lược quốc gia lần thứ 4 mà WEF tổ chức với Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam có cơ sở, nền tảng để thực hiện các mục tiêu đã đề ra và ngày càng có thêm nhiều kinh nghiệm, tự tin hơn, bản lĩnh hơn, có nhiều nguồn lực hơn để tiếp tục phát triển trong kỷ nguyên mới - Ảnh: Nhật Bắc
Tại phiên đối thoại, các tập đoàn bày tỏ ấn tượng mạnh mẽ với mức tăng trưởng kinh tế trên 7% năm 2024 và kết quả điều hành của Chính phủ Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Các tập đoàn chia sẻ và đánh giá cao các cơ hội đầu tư hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng mong muốn tìm hiểu các cơ chế, chính sách của Việt Nam đối với việc khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào các lĩnh vực như hạ tầng, khí hóa lỏng, chăm sóc y tế, công nghiệp dầu khí, khách sạn; các chính sách bảo đảm nguồn điện, thủ tục thông thoáng để triển khai các dự án, đảm bảo nguồn nhân lực và tháo gỡ các hạn chế xuất khẩu tại một số thị trường quan trọng của Việt Nam.
Phát biểu tại phiên đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng lần thứ 4 tham dự các hội nghị WEF và đánh giá cao chủ đề của sự kiện, cảm ơn sự tham gia của đông đảo các đối tác, doanh nghiệp quốc tế, qua đó tiếp tục lan tỏa tinh thần hợp tác quốc tế và làm nổi bật vai trò của hợp tác công - tư trong thúc đẩy sự phát triển, thịnh vượng của thế giới.
Thủ tướng phát biểu tại đối thoại chiến lược quốc gia với WEF, chia sẻ giải pháp giải phóng tiềm năng tăng trưởng - Ảnh Nhật Bắc.
Phân tích về tiềm năng tăng trưởng tại Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ năng lực tự cường của nền kinh tế khi vừa phải ứng phó với những khó khăn do là nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế khiêm tốn, độ mở lớn, vừa phải đối mặt với những thiên tai, biến đổi khí hậu gây nhiều thiệt hại, đặc biệt là cơn bão Yagi đã tàn phá nặng nề 26 tỉnh, thành phố/63 tỉnh, thành phố, làm giảm khoảng 0,15-0,2% điểm tăng trưởng GDP năm 2024, nhưng Việt Nam đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng GDP đạt trên 7%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và thặng dư cao; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường; an sinh xã hội được bảo đảm với tinh thần không có ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng cho biết, năm 2024 Việt Nam đã kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước một cách tốt đẹp, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần đoàn kết, thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là trong những thời điểm khó khăn, thách thức.
Phân tích về các xu thế lớn, Thủ tướng đánh giá, thế giới ngày nay đang phân cực hóa về chính trị, đa dạng hóa về thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, xanh hóa về sản xuất kinh doanh và dịch vụ, số hóa mọi hoạt động của con người. Ngoài ra, thế giới còn đối diện các vấn đề như biến đổi khí hậu, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên… Đây là những vấn đề các nước phải đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính Tham dự phiên Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam – WEF.
Ânn
Trong bối cảnh đó, để giải phóng tiềm năng tăng trưởng để đạt các mục tiêu chiến lược tới năm 2030, 2045, Việt Nam tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực mới.
Trong năm 2025, Việt Nam tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ít nhất 8% trong năm 2025 và đạt mức 2 con số trong những năm tiếp theo, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Cùng với đó, Việt Nam tập trung thực hiện quyết liệt ba đột phá chiến lược gồm thể chế, hạ tầng, nhân lực theo tinh thần thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, nhân lực và quản trị thông minh. Trong đó, hoàn thiện thể chế là "đột phá của đột phá", cắt giảm thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy về tổ chức, coi thể chế là nguồn lực, động lực, góp phần làm giảm thời gian, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp và người dân, giải phóng nguồn lực, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư.
Đồng thời, Việt Nam thực hiện đột phá về xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, trong đó có hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng y tế, giáo dục, thể thao, xã hội… góp phần làm giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa.
Việt Nam có cơ sở, nền tảng để thực hiện các mục tiêu đã đề ra và ngày càng có thêm nhiều kinh nghiệm, tự tin hơn, bản lĩnh hơn, có nhiều nguồn lực hơn để tiếp tục phát triển trong kỷ nguyên mới.
Chia sẻ về một số dự án hạ tầng chiến lược, Thủ tướng cho biết, Việt Nam dự kiến hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trong khoảng 10 năm; dự kiến khởi công dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc và Trung Á, châu Âu trong năm 2025; dự kiến hoàn thành nhà máy điện hạt nhân trong 5 năm; đồng thời nhiều dự án lớn về sân bay, cảng biển, đường bộ cao tốc đang được thúc đẩy mạnh mẽ để về đích đúng hạn, phấn đấu có ít nhất 3.000 km đường cao tốc trong năm 2025. Cùng với đó, Việt Nam thực hiện đột phá về nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực mới nổi trong kỷ nguyên số như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật, quang điện tử… để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nâng cao năng suất lao động.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ nguồn lực bên trong gồm con người, thiên nhiên, đặc biệt là khai thác các không gian phát triển mới như không gian biển, không gian ngầm, không gian vũ trụ và truyền thống văn hóa, lịch sử. Việt Nam xác định phát triển nhanh nhưng bền vững, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần và đã tiên phong hoàn thành sớm các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Thủ tướng nhấn mạnh, điều quan trọng là phải bám sát, nắm chắc tình hình thế giới và khu vực, có tư duy, cách tiếp cận, phương pháp luận phù hợp để xác định các giải pháp giải quyết vấn đề đặt ra phù hợp tình hình và đặc điểm, điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam; xác định coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán đúng lúc là những yếu tố quyết định thành công.
Trả lời về các vấn đề quan tâm của các đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đã triển khai chương trình đào tạo 50 nghìn kỹ sư bán dẫn. Việt Nam cam kết không thiếu điện với các giải pháp đồng bộ, gồm cả phát triển điện gió, điện mặt trời, điện hạt nhân và nhập khẩu điện. Trước quan tâm về lĩnh vực bất động sản, Thủ tướng thông tin Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về đất đai, bất động sản gắn với phát triển hạ tầng chiến lược để mở ra các không gian phát triển mới, từ đó phát triển bất động sản công nghiệp, bất động sản thương mại, đồng thời đẩy mạnh, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia chương trình một triệu căn hộ nhà ở xã hội. Việt Nam cũng ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực y tế và khuyến khích công nghiệp văn hóa, giải trí.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đối tác, nhà đầu tư tiếp tục đồng hành, hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển cả trong góp ý xây dựng, hoàn thiện thể chế, thu hút đầu tư chất lượng cao, xây dựng hạ tầng, ưu đãi tài chính, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ hiện đại, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị hiện đại.
Trong thảo luận, các doanh nghiệp nhiều lần bày tỏ ấn tượng với quyết tâm và cam kết của chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện môi trường đầu tư hấp dẫn và sự quan tâm, ủng hộ rất cao cho cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp kỳ vọng lớn vào kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam với sự phát triển vượt bậc về chất và lượng của nền kinh tế, cho biết sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong giai đoạn tới và xác định mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam như một chiến lược phát triển lâu dài của doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Phó Thủ tướng Trung Quốc
Sáng 21/1 (theo giờ địa phương), tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Quốc vụ viện Trung Quốc Đinh Tiết Tường nhân dịp tham dự Hội nghị Thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 55.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Thủ tướng Thường trực Quốc vụ viện Trung Quốc Đinh Tiết Tường - Ảnh Nhật Bắc.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng năm mới của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và cá nhân Thủ tướng Chính phủ tới đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Cường, Ủy viên trưởng Nhân đại Triệu Lạc Tế, Chủ tịch Chính hiệp Vương Hộ Ninh.
Phó Thủ tướng Thường trực Quốc vụ viện Trung Quốc Đinh Tiết Tường cũng chuyển lời thăm hỏi và lời chúc mừng năm mới của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ Trung Quốc tới các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam.
Hai bên bày tỏ vui mừng trước đà phát triển tích cực của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược Việt Nam - Trung Quốc, nhất là việc mới đây Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm thành công, chính thức tuyên bố khởi động Năm Giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc và kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Quốc vụ viện Trung Quốc Đinh Tiết Tường nhấn mạnh Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam đẩy mạnh giao lưu, hợp tác theo định hướng "6 hơn" đã được lãnh đạo hai Đảng, hai nước nhất trí - Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc coi trọng và ưu tiên hàng đầu quan hệ với Trung Quốc; khẳng định Việt Nam ủng hộ các sáng kiến toàn cầu về phát triển, an ninh và văn minh của Trung Quốc do Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra, mong muốn và tin tưởng các sáng kiến này sẽ mang lại lợi ích chung cho các nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Quốc vụ viện Trung Quốc Đinh Tiết Tường khẳng định Trung Quốc coi trọng cao độ quan hệ với Việt Nam, tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là đồng chí Tô Lâm, Việt Nam sẽ tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ XIV, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Về phương hướng thúc đẩy quan hệ giữa hai nước thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp; rà soát, triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký kết, thúc đẩy kết nối sâu sắc hơn nữa hai nền kinh tế; tập trung triển khai những dự án lớn, mang tính biểu tượng, nhất là hợp tác về vốn, công nghệ và đào tạo nhân lực để triển khai các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng năm 2025 và Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng vào thời gian tới. Cùng với các lĩnh vực hợp tác truyền thống, Thủ tướng đề nghị hai bên đẩy mạnh hợp tác về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, lượng tử, vi sinh học…, hỗ trợ Việt Nam triển khai thành công Nghị quyết 57 mang tính lịch sử về đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Bày tỏ tán thành và đánh giá cao các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Thường trực Quốc vụ viện Trung Quốc Đinh Tiết Tường nhấn mạnh, Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam đẩy mạnh giao lưu, hợp tác theo định hướng “6 hơn” đã được lãnh đạo hai Đảng, hai nước nhất trí.
Phó Thủ tướng Đinh Tiết Tường đề nghị hai bên triển khai tốt các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao; cùng nhau rà soát, tăng cường trao đổi, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác đạt tiến triển cụ thể, nhất là các dự án mang tính biểu tượng cho quan hệ hai nước; triển khai tốt chuỗi hoạt động của Năm Giao lưu nhân văn và kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc; thúc đẩy vững chắc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Việt Nam coi trọng việc thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi với GCC và các quốc gia thành viên GCC
Hai bên nhất trí sẽ tổ chức các hoạt động nhằm tăng cường hiểu biết giữa GCC - Việt Nam, góp phần để các nước GCC hiểu rõ hơn các tiềm năng của Việt Nam và cũng để phía Việt Nam trao đổi, gặp gỡ với các chuyên gia, ngân hàng phát triển, quỹ đầu tư của GCC.
Sáng 21/1 (theo giờ địa phương), tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) Jasem Mohamed Albudaiwi nhân dịp tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 55.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Thư ký Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) Jasem Mohamed Albudaiwi - Ảnh Nhật Bắc
Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam coi trọng việc thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi với GCC và các quốc gia thành viên GCC. Thủ tướng chia sẻ những ấn tượng tốt đẹp trong chuyến thăm Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Saudi Arabia và Qatar vào tháng 10/2024; thông báo trong chuyến đi, Việt Nam và các nước này đã tạo dựng những khuôn khổ mới để đưa quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất, đặc biệt là việc xác lập khuôn khổ Đối tác toàn diện và ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) với UAE.
Tổng Thư ký GCC bày tỏ vinh dự được gặp Thủ tướng Chính phủ; khẳng định Việt Nam nằm trong danh sách ưu tiên ký kết FTA của GCC, tin tưởng quan hệ hợp tác Việt Nam - GCC là mối quan hệ cùng thắng, cùng có lợi, mang lại lợi ích cho cả hai bên; bày tỏ tin tưởng quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước sẽ sớm có kết quả đột phá.
Thủ tướng đề nghị Ban Thư ký GCC tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt với các quốc gia thành viên của GCC - Ảnh Nhật Bắc
Thủ tướng đề nghị Ban Thư ký GCC tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt với các quốc gia thành viên của GCC; khuyến khích các doanh nghiệp, quỹ đầu tư khu vực tăng cường hợp tác với Việt Nam, thúc đẩy đàm phán thỏa thuận FTA GCC - Việt Nam, Hiệp định Khuyến khích bảo hộ đầu tư GCC - Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.
Hai bên nhất trí sẽ tổ chức các hoạt động nhằm tăng cường hiểu biết giữa GCC - Việt Nam, góp phần để các nước GCC hiểu rõ hơn các tiềm năng của Việt Nam và cũng để phía Việt Nam trao đổi, gặp gỡ với các chuyên gia, ngân hàng phát triển, quỹ đầu tư của GCC.
Nhân dịp này, Thủ tướng mời ông Jasem Albudaiwi sang thăm Việt Nam vào thời gian phù hợp trong năm 2025. Ông Jasem Albudaiwi vui vẻ nhận lời và khẳng định sẽ sớm sang thăm Việt Nam để trao đổi những biện pháp thúc đẩy hợp tác GCC - Việt Nam, trong đó có việc khai thác Bản ghi nhớ giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ban Thư ký GCC.
Xuân Mai
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-tham-du-phien-doi-thoai-chien-luoc-quoc-gia-viet-nam--wef-i757270/