Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 23/5, Quốc hội đã thảo luận tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023; việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025; việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024.
Đang tiến hành tích cực 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực
Phát biểu tại tổ 8 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Điện Biên, Trà Vinh, Cao Bằng), liên quan đến các giải pháp cho mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính người đứng đầu Chính phủ cho biết, trong bối cảnh thế giới hiện nay là rất khó khăn, các định chế tài chính dự báo tăng trưởng năm nay thấp hơn năm ngoái. Nhưng Việt Nam đi ngược lại xu thế thế giới, khi nâng mục tiêu tăng trưởng từ 8% năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong các năm tiếp theo.
“Vậy làm sao đi ngược lại nhưng nâng cao hơn?” Thủ tướng đặt câu hỏi và chia sẻ 3 đột phá chiến lược Việt Nam đang triển khai tích cực đó là: tháo gỡ điểm nghẽn thể chế; đẩy mạnh đột phá chiến lược về hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.
Về thể chế, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, với quyết tâm tháo gỡ điểm nghẽn cho phát triển kinh tế - xã hội ngay trong năm 2025. "Chúng ta tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế sẽ biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh, như phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm; biến thể chế vừa là nguồn lực, vừa là động lực cho sự phát triển"- Thủ tướng nói.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Quochoi.vn
Thủ tướng Chính phủ dành nhiều thời gian chia sẻ về đẩy mạnh đột phá chiến lược về hạ tầng. Theo Thủ tướng, đây chính là điểm nghẽn vì thực tế chi phí logistics cao khoảng 17-18% so với trung bình thế giới 10-11% khiến sức cạnh tranh của hàng hóa bị giảm. Do đó, cần phải tiếp tục thúc đẩy hạ tầng chiến lược về giao thông ở cả 5 phương thức.
Với đường bộ, mục tiêu đặt ra là phải hoàn thành ít nhất 3.000km cao tốc trong năm 2025; tiếp đó là triển khai hệ thống đường sắt - đây là hệ thống dung hòa giữa hàng không và hàng hải bởi hàng không có giá đắt còn hàng hải mất thời gian hơn.
Đường sắt khối lượng vận tải lớn, giá thành rẻ, có thể đi suốt ngày đêm do đó phải nâng cấp hệ thống đường sắt, tập trung xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và đường sắt liên kết với Trung Quốc là Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng từ đó mở ra kết nối giao thông với Trung Quốc, kết nối sang Trung Á và châu Âu, nhờ đó mới đa dạng hóa thị trường và sản phẩm.
Về đường thủy nội địa, trong đó Đồng Bằng Sông Cửu Long có lợi thế rất lớn. Theo Thủ tướng, năm nay và năm tới sẽ tập trung vào loại hình vận tải này để giảm chi phí hàng hóa, tăng sức cạnh tranh.
Đối với hàng không, Thủ tướng Chính phủ cho biết, đây là phương thức đang phổ biến. Muốn phát triển hàng không thì phải có sân bay, phát triển đội bay, các hãng hàng không.
“Không thể dừng ở 2-3 hãng hãng hàng không, mà phải phát triển nhiều để tạo cạnh tranh có lợi cho người dân” - Thủ tướng Chính phủ nói.
Về hàng hải, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, phải xây dựng các cảng lớn để các tàu lớn nhất có thể ra vào. Nước ta có 3.000km bờ biển nên cần phải phát triển hệ thống cảng, vận tải hàng hải. Một số cảng đang được tập trung phát triển như cảng Lạch Huyện, Cái Mép Thị Vải, cảng Cần Giờ, cảng Hòn Khoai… đẩy mạnh giao thông hàng hải.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu rõ, hạ tầng giáo dục, y tế, xã hội, văn hóa, thể thao đều phải phát triển để mang tính bao trùm, đồng bộ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải tiếp tục thúc đẩy hạ tầng chiến lược về giao thông ở cả 5 phương thức. Ảnh: Phạm Thắng
Về đột phá nhân lực,Thủ tướng chỉ rõ, cần chuyển sang đào tạo kỹ năng toàn diện, thay vì chỉ tập trung vào kiến thức; đào tạo được lao động có đẳng cấp quốc tế, qua đó tăng năng suất lao động.
Để thực hiện 3 đột phá chiến lược này, vừa qua Chính phủ đã trình 4 nghị quyết gồm Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Đây là 4 Nghị quyết “trụ cột chiến lược, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Nhấn mạnh hội nhập là xu thế thời đại, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta không thể làm gì một mình được, phải hội nhập, không thể lẽo đẽo theo sau mãi. Phải tiến cùng, bắt kịp và vượt lên, tham gia dẫn dắt cuộc chơi. Muốn vậy phải chủ động tích cực, nâng cao năng lực cạnh tranh, thương hiệu của đất nước. Bốn “trụ cột chiến lược” trên góp phần với 3 đột phá chiến lược sẽ được triển khai trong giai đoạn tới. Những chiến lược này đang được thực hiện rất nhanh, tích cực nhất là trong vài tháng qua, góp phần tăng trưởng kinh tế”.
Cùng với đó, Thủ tướng cho rằng, cần phải làm mới lại các động lực tăng trưởng cũ, thúc đẩy các động lực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến động của thế giới.
“Vấn đề là phải biết làm như thế nào để trong điều kiện khó khăn, các nước phát triển trong khu vực đều phải hạ tăng trưởng xuống, còn Việt Nam ngược lại. Trong điều kiện đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với tình hình, như thế mới dám đi ngược lại và đạt được mục tiêu 100 năm”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực
Liên quan mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Thủ tướng nêu rõ, quan trọng nhất là chuyển đổi trạng thái từ thụ động tiếp nhận yêu cầu của người dân, doanh nghiệp rồi mới xử lý sang trạng thái chủ động, tích cực phục vụ người dân.
“Việc phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường năng lực thực thi, có cơ chế gắn liền với kiểm tra, giám sát. Phân cấp, phân quyền mà giữ khư khư nguồn lực thì không thể làm được” - Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ.
Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ 8. Ảnh: Quochoi.vn
Thủ tưởng Chính phủ cho rằng "cơ hội đến và đi rất nhanh, nếu xử lý cầm chừng thủ tục thì cơ hội đi lúc nào không biết, giải quyết xong thì cơ hội đã đi mất". Từ đó yêu cầu, phải cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ; đẩy mạnh công tác xây dựng quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, các điều kiện cần thiết khác và phải công bố công khai; chính quyền phải chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Thủ tướng cũng đề nghị Quốc hội ủng hộ mạnh mẽ việc cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền. "Tinh thần là ai gần dân nhất thì phân cấp, ai hỗ trợ được người dân theo tinh thần chủ động phục vụ Nhân dân thì phân cấp".
Liên quan tiết kiệm, phòng chống lãng phí, Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, lãng phí có liên quan đến chính sách không phù hợp. Như với các dự án điện gió, điện mặt trời..., do chính sách của chúng ta không tốt nên dẫn đến một số tiêu cực, có tình trạng ồ ạt xây dựng dự án không đúng quy hoạch, không đúng thủ tục cũng như quy định.
Theo Thủ tướng, nếu giải quyết được các dự án tồn đọng sẽ giải phóng được hơn 230 tỷ USD, bằng khoảng 50% tổng GDP. Hiện Chính phủ đang xây dựng cơ chế, chính sách trình cấp có thẩm quyền để có giải pháp xử lý về mặt thể chế; đồng thời xử lý người làm sai.
Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ: "khi khắc phục hậu quả, chúng ta không thể đòi hỏi thu về 100% mà phải chấp nhận mất mát, đau đớn”. Đồng thời cho rằng, "đây cũng là bài học, kinh nghiệm cho chúng ta".
Việc sắp xếp bộ máy cũng sẽ dẫn tới dư thừa trụ sở làm việc, nhấn mạnh “quan trọng nhất là cấp ủy chính quyền địa phương”, Thủ tướng chỉ rõ: chủ trương là không để lãng phí, phải vận dụng sáng tạo trong điều kiện cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị.
“Không cầu toàn, nóng vội, nhất là với các vấn đề mới phát sinh. Phải bình tĩnh, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, miễn là đừng tiêu cực, đừng lãng phí, đừng tham nhũng. Phải vô tư, trong sáng khi tìm cách giải quyết; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói.
Nguyễn Vũ