Dự án cầu Tứ Liên là dự án quan trọng được lãnh đạo Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm, yêu cầu cần sớm triển khai, theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 27/11/2024 và Nghị quyết số 77/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu gồm 4 dự án thành phần, với tổng mức đầu tư khoảng 19.830 tỷ đồng. Trong đó, 3 dự án thành phần giải phóng mặt bằng có tổng mức đầu tư khoảng 4.332 tỷ đồng, tổng diện tích thu hồi khoảng 62,53 ha, khoảng 701 trường hợp thu hồi đất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên. Ảnh: Nhật Bắc
Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội là chủ đầu tư, tổng mức đầu tư khoảng 15.498 tỷ đồng. Nhà thầu thi công là liên danh Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc), Tập đoàn VinGroup và một số đối tác khác.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, ngay sau chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội đã tập trung quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ với nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt và phù hợp như ban hành kế hoạch triển khai thực hiện dự án đầu tư với các mốc thời gian cụ thể, chi tiết; tổ chức các cuộc họp giao ban hằng tuần; ban hành cơ chế ưu tiên "làn xanh" xử lý ngay văn bản trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được hồ sơ; quyết định việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với các gói thầu tư vấn vượt hạn mức chỉ định thầu (áp dụng Nghị định số 17/2025/NĐ-CP ngày 6/2/2025 của Chính phủ)…
Nhờ đó, chỉ sau 5 tháng từ khi có chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, dự án đã hoàn thành công tác chuẩn bị, đủ các điều kiện theo quy định để khởi công, trong khi các dự án tương tự trước đây phải mất nhiều năm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu. Ảnh: Nhật Bắc
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng tới dự lễ khởi công trong không khí cả nước đang phấn khởi thi đua chào mừng kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2025), chuẩn bị kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, nối tiếp sự thành công của chuỗi sự kiện khởi công, khánh thành các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Đây cũng là sự kiện góp phần khẳng định sự chuyển mình mạnh mẽ, phát triển nhanh và bền vững, phát huy vai trò đầu tàu kinh tế với cả nước của Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng, Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người, Thành phố vì hòa bình.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Hà Nội cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó 2 vấn đề trước mắt cần tập trung giải quyết là hạ tầng giao thông và ô nhiễm môi trường, với bước đi, lộ trình phù hợp, khả thi, lựa chọn trọng tâm, trọng điểm để bố trí nguồn lực thực hiện.
Thủ tướng nhấn mạnh, dự án cầu Tứ Liên sẽ góp phần giải quyết vấn đề giao thông của Hà Nội, kết nối giữa các khu vực của Hà Nội, kết nối vùng, kết nối quốc tế qua các sân bay Nội Bài và sân bay Gia Bình.
Thủ tướng đánh giá cao TP Hà Nội và các cơ quan liên quan đã làm ngày làm đêm, nỗ lực hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn theo đúng cam kết, như phê duyệt chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thiết kế, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp của Hà Nội tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực trong triển khai dự án, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để sớm hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng cho dự án, quan tâm tới đời sống người dân, bảo đảm nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ.
Phối cảnh cầu Tứ Liên sau khi hoàn thành.
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Ban Quản lý dự án phát huy trách nhiệm cao nhất, các nhà thầu nỗ lực rút ngắn thời gian thi công dự án xuống còn 24 tháng, đồng thời nâng cao chất lượng, không đội vốn, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường, không để tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, trên cơ sở ứng dụng các công nghệ, máy móc tiên tiến, hiện đại nhất.
Đặc biệt, Thủ tướng mong muốn cây cầu phải là một điểm nhấn kiến trúc, tạo cảnh quan đẹp, xứng tầm và tôn vinh Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng, Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người, Thành phố vì hòa bình.
Thủ tướng đề nghị các nhà thầu hợp tác chặt chẽ, tăng cường sử dụng nhân lực tại chỗ, nguyên vật liệu tại chỗ và tăng cường chuyển giao công nghệ hiện đại; các đơn vị tư vấn phát huy trách nhiệm, bám sát công trình để thực thi nhiệm vụ. Các bộ, ngành, cơ quan Trung ương vào cuộc cùng Hà Nội khẩn trương xử lý các vấn đề phát sinh; nếu cần gì, vướng gì thì kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
T.Linh