Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 9 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ

Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 9 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ
2 giờ trướcBài gốc
Chiều 11/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về "Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", chủ trì phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo.
Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc, Bùi Thanh Sơn; các bộ trưởng là thành viên Ban Chỉ đạo.
Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 9 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ
Tại phiên họp, các thành viên Ban chỉ đạo tập trung thảo luận và nghe báo cáo về tình hình, tiến độ triển khai tổng kết Nghị quyết số 18 và phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, hiện có 30/30 bộ, ngành có văn bản chính thức gửi hồ sơ báo cáo Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết Nghị quyết số 18 và đề xuất phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, kèm theo dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, ngành.
Với mục tiêu là tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực; phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ được Hiến pháp quy định nhằm xây dựng Chính phủ dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch, phục vụ nhân dân, tăng cường sự quản lý thông suốt từ Trung ương đến địa phương, trên cơ sở phân cấp, phân quyền hợp lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Việc tổ chức hợp lý các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính, bảo đảm không chồng chéo, giao thoa, không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, bảo đảm giảm tối thiểu 15%-20% đầu mối tổ chức bên trong đối với các cơ quan không thuộc diện sáp nhập, hợp nhất và giảm tối thiểu 35- 40% đầu mỗi tổ chức bên trong đối với các cơ quan thực hiện sáp nhập, hợp nhất theo hướng:
Không duy trì mô hình tổng cục và tổ chức tương đương thuộc bộ, ngành. Đối với cục, vụ: Rà soát, sắp xếp, kiện toàn các tổ chức này theo hướng tinh gọn, phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, bảo đảm đáp ứng các tiêu chí, điều kiện theo quy định của Chính phủ; sắp xếp, kiện toàn các vụ, cục có nhiệm vụ liên thông, gắn kết thành 1 đầu mối.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập: Chỉ duy trì các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng phục vụ quản lý Nhà nước gắn với sắp xếp tổ chức bên trong, bảo đảm tỉnh gọn và đáp ứng tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với giảm biên chế cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu giảm 20% biên chế công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước phù hợp với lộ trình thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức khi sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tỉnh hình mới.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Đối với cấp phó của người đứng đầu, căn cứ thực trạng số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sáp nhập, hợp nhất, tập thể lãnh đạo bộ, ngành quyết định bố trí làm cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị mới sau sắp xếp hoặc bố trí sang cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ và năng lực của cán bộ.
Trước mắt, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hình thành sau sắp xếp có thể cao hơn quy định, nhưng bộ, ngành phải xây dựng phương án sắp xếp giảm số lượng cấp phó theo quy định chung trong thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án.
Sau khi nghe các ý kiến, phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cho ý kiến cụ thể từng vấn đề riêng, còn ý kiến khác nhau đối với các bộ ngành cơ quan.
Thủ tướng yêu cầu, Bộ Nội vụ tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung theo diễn biến tình hình, trên nguyên tắc sắp xếp bộ máy phải đảm bảo tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; gắn với tinh giảm, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Đặc biệt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải giảm khâu trung gian, giảm đầu mối, song không để chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang phát biểu
Cho rằng việc sắp xếp tổ chức bộ máy là việc khó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo phát huy tinh thần trách nhiệm, lắng nghe ý kiến của các bộ, ngành, cá nhân, tập trung thực hiện, đảm bảo tiến độ, chất lượng theo yêu cầu đã đề ra. Trong quá trình triển khai thực hiện phải làm tốt công tác tư tưởng, không để gián đoạn công việc trong quyền hạn của mình, ảnh hưởng cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Nội vụ và các cơ quan tiếp thu các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án và các văn bản có liên quan để báo cáo, xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.
Vũ Khuyên/VOV
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-chu-tri-phien-hop-thu-9-ban-chi-dao-tinh-gon-bo-may-cua-chinh-phu-post1148077.vov