Thủ tướng: Chuyển đổi trạng thái từ thụ động sang chủ động phục vụ nhân dân

Thủ tướng: Chuyển đổi trạng thái từ thụ động sang chủ động phục vụ nhân dân
3 ngày trướcBài gốc
Sáng 16/4, tại Hội trường Diên Hồng (Hà Nội), diễn ra Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Như Ý.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Chuyên đề “Về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng". Chuyên đề gồm nhiều vấn đề, như: Những điểm mới trong Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam;
Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV của Đảng;
Những điểm mới trong dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026 - 2030.
Trong phần trình bày, Thủ tướng nêu, bối cảnh thế giới hiện nay thay đổi rất nhanh. Trong nước, từ Hội nghị Trung ương 10 đến Hội nghị Trung ương 11 đã triển khai rất nhiều việc trong thời gian ngắn, với yêu cầu cao, nội dung phong phú và "mọi việc phải kịp thời, nhanh để đáp ứng yêu cầu thực tiễn".
Thủ tướng điểm lại, đầu tiên là việc sắp xếp tổ chức bộ máy đang triển khai rất tích cực; hai là việc đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; ba là đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong điều kiện mới; thứ tư là việc phấn đấu tăng trưởng cao hơn hướng tới đạt hai mục tiêu 100 năm; thứ năm là vấn đề phát triển kinh tế tư nhân, phục vụ phát triển đất nước. Thủ tướng nêu, 5 nội dung này cần được cập nhật, bổ sung, hoàn thiện vào dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
"Điều này thể hiện sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Chính trị, của Trung ương; xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tế khách quan và lấy thực tế khách quan để đo lường kết quả", Thủ tướng nêu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề tại hội nghị. Ảnh: Như Ý.
Nói thêm về dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, Thủ tướng nêu, từ Hội nghị Trung ương 10 đến Hội nghị Trung ương 11 "đã thay đổi nhiều về hình thức, nội dung, ngắn gọn, súc tích hơn, thể hiện tính chiến đấu, tính khả thi, và tính sát thực cao hơn, tính quyết tâm mạnh mẽ hơn".
Nêu về 3 trụ cột phát triển đất nước, Thủ tướng nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt là lấy người dân, con người làm trung tâm, không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, không hy sinh an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
Nêu thêm về việc đất nước vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức để đạt những kết quả, thành tích, Thủ tướng lưu ý, không được lơ là, chủ quan, "ngủ quên trên vòng nguyệt quế".
Trong số các bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh, quan trọng nhất là đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong Nhân dân, đoàn kết quốc tế mà chúng ta làm được những điều to lớn. Đoàn kết của thế hệ sau với thế hệ trước, kế thừa, phát huy một cách có hiệu quả, tôn trọng thế hệ trước, những gì thế hệ trước làm là tiền đề là khởi tạo cho thế hệ sau, và thế hệ sau phải đoàn kết, phải kế thừa và phát huy những thành quả của thế hệ trước. "Những vấn đề lớn, những vấn đề như chúng ta đưa ra vừa qua, mà không đoàn kết thì không làm được", Thủ tướng nói.
Về định hướng phát triển đất nước trong tình hình mới, Thủ tướng lưu ý, bối cảnh hiện nay đan xen giữa thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức; nhưng cần xác định, khó khăn, thách thức nhiều hơn. Vì thế, theo Thủ tướng, phải "luôn chủ động về chiến lược, không để bị động, bất ngờ".
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, bối cảnh thế giới hiện nay có sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, vì thế, phải thích ứng, đáp ứng yêu cầu phát triển, "nhưng không để thua trí tuệ nhân tạo".
Thủ tướng thêm một lần nhấn mạnh đến vấn đề phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; cần đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong bất cứ hoàn cảnh nào; phát huy sức mạnh của nhân dân; giải phóng toàn bộ sức sản xuất.
Theo Thủ tướng, phải tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, bỏ tư duy không quản lý được thì cấm... để giải phóng toàn bộ sức sản xuất; dựa vào nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; tích cực hội nhập... Cùng với đó, phải dựa vào khoa học, công nghệ, chuyển đổi số để phát triển đột phá; huy động mọi nguồn lực xã hội cho phát triển; xác định kinh tế tư nhân là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước...
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Như Ý.
Thủ tướng cũng nêu định hướng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ để có thể đứng vững trước mọi thách thức như đại dịch hay việc đứt gãy chuỗi cung ứng. “Trong bối cảnh hiện nay càng phải độc lập tự chủ, đẩy mạnh động lực tăng trưởng về tiêu dùng và đầu tư trong bối cảnh động lực xuất khẩu gặp khó khăn’, Thủ tướng lưu ý. Theo Thủ tướng, mục tiêu tăng trưởng 2 con số rất thách thức nhưng “không làm không được”.
Về mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Thủ tướng nhấn mạnh, điều này hướng tới 3 mục tiêu.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải kế thừa kết quả triển khai Nghị quyết 18 về đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị. "Chúng ta đã cải cách, thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, hiện nay, cơ bản mọi việc đã chuẩn bị tốt, chỉ chờ hành động thôi. Với tinh thần 30/4 là "thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa" thì chúng ta làm, nhưng nói như thế không có nghĩa là thần tốc mà ẩu thì cũng không được. Tinh thần là không cầu toàn, nhưng cũng không nóng vội", Thủ tướng nói.
Thứ nhất là tạo ra không gian phát triển mới. Đất nước cần có những động lực tăng trưởng mới, liên quan đến tăng trưởng xanh, tăng trưởng số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, thì phải mở ra không gian để phát triển.
"Thứ hai, chúng ta phải chuyển đổi trạng thái từ thụ động phục vụ nhân dân sang chủ động phục vụ nhân dân. Chính quyền phải gần dân, sát dân, hiểu dân. Vì thế phải tăng cường về cơ sở", Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, vấn đề này được thống nhất rất cao. "Một vài điểm còn băn khoăn, lo lắng thì cũng là đương nhiên, bởi thực hiện một cuộc cách mạng mà không có sự lo lắng, không có sự băn khoăn mới đáng lo ngại", Thủ tướng phân tích.
Một vấn đề nữa cần hướng tới khi sắp xếp đơn vị hành chính, theo Thủ tướng, là giảm thủ tục hành chính. "Khi giảm khâu trung gian thì mới giảm thủ tục hành chính. Cùng với đó đẩy mạnh số hóa, quản lý, số hóa nền kinh tế, số hóa xã hội, triển khai nền tảng công dân số, đẩy mạnh bình dân học vụ số thì thủ tục sẽ giảm. Tất cả thủ tục làm trên không gian mạng thì sẽ giảm người, giảm chi phí, thúc đẩy nhanh hơn", Thủ tướng nói.
Trường Phong
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/thu-tuong-chuyen-doi-trang-thai-tu-thu-dong-sang-chu-dong-phuc-vu-nhan-dan-post1734139.tpo