Thủ tướng: Đa dạng hóa các phân khúc nhà ở để tăng khả năng tiếp cận của người dân

Thủ tướng: Đa dạng hóa các phân khúc nhà ở để tăng khả năng tiếp cận của người dân
5 giờ trướcBài gốc
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý 1/2025, lượng giao dịch bất động sản căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền đều tăng so với quý trước. Các loại hình sản phẩm bất động sản thị trường tiếp tục có xu hướng tăng, nhưng mức độ tăng giá của mỗi loại hình bất động sản tại mỗi thời điểm, mỗi khu vực ở mỗi địa phương khác nhau. Nguồn vốn tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với quý 4/2024. Đáng chú ý, có 14 dự án nhà ở thương mại hoàn thành xây dựng với quy mô hơn 3.800 căn, tăng 140% so với cùng kỳ.
Thủ tướng yêu cầu đa dạng hóa các phân khúc nhà ở để giảm giá thành, tăng nguồn cung và tăng tiếp cận của người dân.
Đối với nhà ở xã hội, cả nước có 679 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 623.000 căn. Dự kiến trong năm 2025, hoàn thành hơn 71.000 căn nhà ở xã hội. Trong 4 tháng đầu năm nay, đã hoàn thành hơn 15.600 căn hộ nhà ở xã hội, khởi công 20 dự án với quy mô hơn 19.400 căn.
Về tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết: "Tổ công tác 1435 của Thủ tướng và các địa phương đã rà soát 788 dự án bất động sản có khó khăn, vướng mắc, trong đó có đã giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc 136/788 dự án bất động sản, đạt 17,3%. Đối với 652 dự án còn khó khăn chưa giải quyết được chủ yếu thuộc thẩm quyền của các địa phương, trong đó hơn 255 dự án vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất".
Toàn cảnh phiên làm việc.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành, hiệp hội, ngân hàng, doanh nghiệp tập trung phân tích những khó khăn vướng mắc trong các dự án bất động sản, trong đó có các dự án nhà ở xã hội. Đồng thời đề ra các giải pháp phát triển hiệu quả nhà ở xã hội, giảm giá bán bất động sản trong thời gian tới. Đề nghị, cần tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính nhằm giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở, bất động sản.
Đối với nhà ở xã hội, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Khôi cho rằng: "Vốn cho người lao động mua nhà ở xã hội, theo tính toán của viện VMVP với mức thu nhập và giá như bây giờ 23,5 năm người lao động mới có thể trả được số tiền vay nợ. Nên chăng Ngân hàng tính toán phối hợp với địa phương hạ lãi suất. Như bây giờ thời hạn vay chỉ có 5 năm sẽ không đáp ứng".
Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, từ tháng 6/2024 đến nay, Chính phủ đã ban hành 53 văn bản quy phạm pháp luật chỉ đạo các bộ, ngành sửa các thông tư trong đó có 2 Nghị định để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là Nghị định 75 và Nghị định 76. Qua đó cải thiện tình hình thị trường bất động sản. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, nguồn cung còn hạn chế , chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, cơ cấu nguồn cung sản phẩm mất cân đối, thừa các biệt thự nhà thấp tầng, phân khúc cho người thu nhập cao thì thừa, phân khúc cho người có nhu cầu nhà ở thật thì thiếu; giá nhà ở quá cao so với thu nhập của người dân; vẫn còn tình trạng đầu cơ thổi giá…
Chỉ ra 8 nguyên nhân của những tồn tại, vướng mắc của bất động sản, trong đó liên quan đến thể chế thủ tục rườm rà, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, mặc dù Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đã được Quốc hội ban hành và trải qua sửa đổi, nhưng quá trình triển khai thực tế vẫn còn vướng mắc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, các bộ, ngành khẩn trương rà soát lại làm sao thủ tục hành chính, thủ tục pháp lý cho đơn giản; tăng cường phân cấp phân quyền triệt để theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo của Tổng Bí Thư và các chỉ đạo của Chính phủ, kết hợp với phân cấp của chính quyền 2 cấp; cắt giảm loại bỏ tối thiểu 30% thủ tục hành chính các yêu cầu, hồ sơ phức tạp; rà soát sửa đổi bãi bỏ quy chuẩn, tiêu chuẩn không phù hợp, những mâu thuẫn làm phát sinh chi phí. Đa dạng hóa các phân khúc nhà ở để giảm giá thành, tăng nguồn cung và tăng tiếp cận của người dân. Các địa phương kiên quyết xử lý đối tượng đầu cơ thao túng đẩy giá làm lũng loạn thị trường.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: "Nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc làm tăng cơ cấu giá như: đất đai, thủ tục hành chính, lãi vay ngân hàng, chi phí đầu tư, phải nghiên cứu để giảm thành tố làm nên cơ cấu giá thành bất động sản. Để tăng nguồn cung và khả năng tiếp cận mua nhà của người dân. Xây dựng chính sách hỗ trợ cho người mua nhà thiết thực hiệu quả tăng yêu cầu, quyết liệt xử lý các việc lợi dụng đấu giá, nâng giá đất gây ách tắc cho phát triển bất động sản".
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: các bộ, ngành địa phương nghiên cứu các giải pháp liên quan đến giải phóng mặt bằng; đề xuất giải pháp giải phóng mặt bằng cho phù hợp tình hình. Nghiên cứu trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do nhà nước quản lý.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: "Bộ Xây dựng chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các địa phương đẩy nhanh công tác quy hoạch, tạo quỹ đất để phát triển các dự án nhà ở, nhất là dự án nhà ở xã hội. chúng ta đang có những chính sách riêng. Phát triển hệ thống giao thông để tạo ra không gian phát triển mới, tạo ra các khu đô thị mới, đồng bộ hiện đại, khai thác công trình giao thông theo mô hình TOD; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 571 kịp thời tháo gỡ các dự án bất động sản còn khó khăn. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu tích hợp các thủ tục đầu tư, thiết kế… Khẩn trương xây dựng kết nối với cơ sở dữ liệu về dân cư cơ sở dữ liệu về nhà ở".
Phương Thoa/VOV1
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-da-dang-hoa-cac-phan-khuc-nha-o-de-tang-kha-nang-tiep-can-cua-nguoi-dan-post1201936.vov