Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Timor Leste Jose Ramos Horta tham dự Phiên khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN. Ảnh: Đức Thanh
Chiều 25/2, tại Hà Nội, Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 với chủ đề “Xây dựng ASEAN đoàn kết, bao trùm và tự cường trong một thế giới biến động” chính thức khai mạc.
Diễn đàn tập trung trao đổi, thảo luận các chủ đề liên quan trực tiếp đến tương lai của ASEAN như: Các xu hướng lớn tác động tới ASEAN và thế giới; Các nguyên tắc nền tảng của ASEAN, hợp tác tiểu vùng; Quản trị công nghệ mới nổi; Vai trò gắn kết và thúc đẩy hòa bình của ASEAN…
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, đây là một Diễn đàn có ý nghĩa, diễn ra trong thời điểm kỷ niệm 10 năm hình thành Cộng đồng ASEAN, 30 năm Việt Nam gia nhập “mái nhà chung” ASEAN và cũng là năm chúng ta thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2045 để đưa ASEAN bước vào kỷ nguyên mới, hướng tới một cộng đồng đoàn kết, thống nhất trong đa dạng, tự cường, đổi mới sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm.
Thủ tướng cho rằng, thế giới đang chứng kiến các biến động sâu sắc với các thách thức và cơ hội đan xen, với thách thức, khó khăn nhiều hơn cơ hội và thời cơ. Các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân, toàn diện diễn biến nhanh hơn, phức tạp hơn, khó lường hơn.
Thế giới ngày nay đang đứng trước các xu thế phân cực hóa về chính trị, già hóa về dân số, cạn kiệt về tài nguyên, đa dạng hóa về thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, xanh hóa về sản xuất, kinh doanh, số hóa về mọi vận động của con người. Bối cảnh đó đặt ra nhiều bài toán khó nhưng cũng mở ra những cơ hội hiếm có để ASEAN khẳng định vị thế và bứt phá vươn lên.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: Đức Thanh
Để dự báo trên thành hiện thực, Thủ tướng cho rằng, ASEAN không chỉ cần sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng mà còn cần có tư duy đột phá, chiến lược sắc bén, lộ trình khả thi, nguồn lực tập trung và hành động quyết liệt. Trên tinh thần đó, người đứng đầu Chính phủ đề xuất 3 ưu tiên chiến lược và 3 đột phá hành động.
Cụ thể, 3 ưu tiên chiến lược bao gồm: Thứ nhất, củng cố ASEAN tự chủ về chiến lược, thông qua tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. Thứ hai, xây dựng một ASEAN tự cường về kinh tế thông qua đổi mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhất là về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thứ ba, giữ giá trị và bản sắc của ASEAN.
Thủ tướng cũng đề xuất 3 đột phá hành động bao gồm: Thứ nhất, xây dựng cơ chế ra quyết định linh hoạt, hiệu quả, trách nhiệm hơn, vừa giữ đồng thuận, vừa có cơ chế đặc thù trong các sáng kiến chiến lược, tạo đột phá. Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác công tư để huy động mọi nguồn lực cho phát triển khu vực. Thứ ba, tăng cường hơn nữa kết nối ASEAN, nhất là kết nối hạ tầng, giao lưu nhân dân và hài hòa thể chế.
Theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, năm 2025 đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với ASEAN, khi ASEAN hoàn tất Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và chuẩn bị thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045. Trong 6 thập kỷ qua, ASEAN đã có những chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một Cộng đồng năng động với 10 quốc gia thành viên, hơn 650 triệu dân và nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. ASEAN cũng đã khẳng định vị trí trung tâm trong cấu trúc kinh tế và an ninh của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Đức Thanh
Bày tỏ lo ngại trước những diễn biến nhanh chóng của tình hình địa chính trị toàn cầu trong vài tuần qua, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho rằng, trong bối cảnh đó, điều quan trọng là các tổ chức khu vực như ASEAN phải khẳng định vai trò và năng lực của mình trong việc đảm bảo tính bền vững của các quy tắc và chuẩn mực đã được thiết lập. Đồng thời, ASEAN cần duy trì sự đoàn kết, bao trùm và tự cường trước những biến động mới đang diễn ra.
"Tôi tin rằng, đoàn kết, bao trùm và tự cường chính là những yếu tố then chốt giúp ASEAN vững vàng vượt qua bối cảnh toàn cầu đầy biến động hiện nay", Phó thủ tướng khẳng định.
Phát biểu tại Diễn đàn, Tổng thống Timor Leste Jose Ramos Horta cho rằng, ASEAN chính là chất keo gắn kết các nền văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, thể chế chính trị đa dạng của các quốc gia thành viên và ASEAN luôn đóng vai trò quyết định trong việc duy trì ổn định, sự hợp tác hữu nghị trong khu vực.
Theo Tổng thống Timor Leste, bối cảnh đa chiều hiện nay đòi hỏi phải đối thoại và hợp tác ngoại giao tích cực, ASEAN cần duy trì sự tập trung vào ngoại giao phòng ngừa, khả năng dự báo và ngăn ngừa căng thẳng. Và các quốc gia ASEAN có thể tin rằng sẽ không bị bỏ lại phía sau trong tương lai vì họ luôn có sự hỗ trợ từ các quốc gia thành viên khác.
Diễn đàn Tương lai ASEAN là sáng kiến được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính công bố tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 (năm 2024). Diễn đàn là sự kiện đa phương kênh 1,5 quy mô lớn, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo, giới chuyên gia, học giả và các doanh nghiệp trong nước và quốc tế để cùng thảo luận, đề xuất các sáng kiến mới cho tương lai phát triển của ASEAN, thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và các đối tác.
Sáng kiến này đã nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ rộng khắp của các nước thành viên ASEAN và đối tác, bạn bè quốc tế thể hiện qua thành công của AFF lần thứ nhất tổ chức vào tháng 4/2024.
Tiếp nối thành công của AFF 2024, Diễn đàn năm nay được tổ chức vào ngày 25-26/2 với chủ đề Xây dựng ASEAN đoàn kết, bao trùm và tự cường trong một thế giới biến động. Diễn đàn có trên 12 hoạt động, bao gồm: 1 phiên Cấp cao, 5 phiên toàn thể, 1 Gala Dinner, 1 phiên ăn trưa làm việc cùng một số hoạt động trước Diễn đàn.
Lần thứ hai được tổ chức, Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 thể hiện mạnh mẽ thông điệp về một Việt Nam tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm cùng với các nước thành viên duy trì và củng cố vai trò trung tâm và phát huy trách nhiệm tiếng nói của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và phát triển.
Kỳ Thành - Đức Thanh