Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh chương trình hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 8. Ảnh: VGP.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong sự vận động và phát triển, GMS phải liên tục đổi mới, sáng tạo, vừa nắm bắt xu thế chung của thế giới, vừa phục vụ nhu cầu phát triển riêng của tiểu vùng.
Đúc kết những bài học kinh nghiệm từ 32 năm hợp tác GSM, Thủ tướng khẳng định vai trò chiến lược của GMS trong tiến trình hội nhập quốc tế và phát triển của tiểu vùng và nhấn mạnh 5 bài học quý giá từ thành công của GMS:
Một là, bài học về thực hiện tham vấn bình đẳng, rộng rãi, củng cố đồng thuận giữa các thành viên vì lợi ích chung. Hai là, bài học về xây dựng các chiến lược, chương trình hợp tác thực chất, gắn với nhu cầu thực tế của mỗi nước và tiểu vùng.
Ba là, bài học về hợp tác lấy người dân, cộng đồng làm trung tâm; thúc đẩy kết nối kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Bốn là, bài học về kết hợp nỗ lực của mỗi thành viên với sự đồng hành của ADB và các đối tác phát triển.
Năm là, bài học biến những khó khăn thành động lực để vươn lên, càng khó khăn càng nỗ lực, quyết tâm, đoàn kết để tạo thành sức mạnh cùng thúc đẩy hợp tác và phát triển.
Nói về hướng đi phù hợp trong giai đoạn phát triển mới, trong phát biểu của mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đã đến lúc GMS cần tập trung phát triển các hành lang kinh tế thế hệ mới, với đổi mới sáng tạo là trung tâm, vượt ra khỏi giới hạn của hành lang kinh tế truyền thống. Ông đã đề xuất ra hội nghị 3 nội hàm chính của hành lang kinh tế thế hệ mới tại tiểu vùng Mekong mở rộng.
Thứ nhất, hành lang của công nghệ và đổi mới sáng tạo, hướng đến kết nối đa chủ thể, đa lĩnh vực, đa giai đoạn. Trọng tâm là hỗ trợ các nước khắc phục những thiếu hụt về thể chế, chính sách, và năng lực về công nghệ và đổi mới sáng tạo và về nguồn lực, trong đó có nguồn lực con người và nguồn lực về tài chính.
Thứ hai, hành lang của tăng trưởng kinh tế, vừa làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, vừa thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Song song với các dự án hạ tầng giao thông, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, GMS cần mở rộng đầu tư tạo ra các hành lang về bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới và năng lượng sạch; xây dựng các nền tảng số, mở rộng thị trường số, nâng cao kỹ năng số của doanh nghiệp và người lao động.
Cần tạo chuyển biến thực chất và hiệu quả trong thuận lợi hóa dòng chảy của vốn, hàng hóa và dịch vụ trong khu vực GMS.
Thứ ba, hành lang xanh, bền vững và bao trùm, bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, là động lực, là nguồn lực và là mục tiêu của sự phát triển.
GMS cần đẩy mạnh hơn nữa các chương trình hợp tác về môi trường và hệ sinh thái, quản lý thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. GMS cũng cần đặc biệt coi trọng hợp tác với Ủy hội sông Mekong trong quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững, công bằng và hợp lý dòng sông chung Mekong - Lan Thương và hợp tác ứng dụng công nghệ vào quản lý tổng hợp nguồn nước xuyên biên giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các thành viên GMS cần đoàn kết, phối hợp ứng phó với các thách thức, và tin tưởng rằng với quan điểm "coi trọng thời gian, coi trọng trí tuệ, đổi mới để bứt phá, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để tiến lên, đoàn kết thêm sức mạnh", hội nghị cấp cao lần này sẽ góp phần hiện thực hóa tầm nhìn, mục tiêu của GMS.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên và các đối tác phát triển để cùng xây dựng một tiểu vùng Mekong mở rộng đổi mới, sáng tạo, năng động và phát triển bền vững, thịnh vượng.
Thủ tướng đề xuất ba nội hàm chính của hành lang kinh tế thế hệ mới tại tiểu vùng Mekong mở rộng. Ảnh: VGP.
Thống nhất xây dựng Hệ thống đổi mới sáng tạo GMS
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh yêu cầu tăng cường hợp tác để khai thác tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ phục vụ quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số tại tiểu vùng Mekong. Theo đó, các nhà lãnh đạo nhất trí xây dựng Hệ thống đổi mới sáng tạo GMS với 3 trụ cột chính là số hóa, chuyển đổi xanh và kết nối.
Về số hóa, GMS sẽ thúc đẩy các chương trình, dự án về đào tạo nguồn nhân lực số, thúc đẩy kết nối kinh tế số xuyên biên giới và xây dựng khuôn khổ pháp lý cho phát triển kinh tế số.
Về chuyển đổi xanh, GMS tập trung hỗ trợ các thành viên ứng dụng hiệu quả công nghệ xanh, thân thiện môi trường trong sử dụng bền vững và quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên, nhất là nguồn nước xuyên biên giới; bảo tồn các hệ sinh thái và đa dạng sinh học; phát triển nông nghiệp thông minh.
Về kết nối, GMS chú trọng thúc đẩy các giải pháp sáng tạo về kết nối xuyên biên giới; khuyến khích đối thoại giữa các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách; chia sẻ tri thức, giải pháp công nghệ và mô hình kinh doanh. Các nhà lãnh đạo cũng khuyến khích sự phối hợp giữa GMS với các cơ chế, sáng kiến hợp tác khu vực và tiểu vùng khác nhằm tạo xung lực mới cho sự phát triển của tiểu vùng.
Các thành viên GMS nhất trí thông qua Tuyên bố chung và Chiến lược đổi mới sáng tạo vì phát triển GMS tới năm 2030. Ảnh: VGP.
Hội nghị kết thúc thành công với việc các thành viên GMS nhất trí thông qua Tuyên bố chung và Chiến lược đổi mới sáng tạo vì phát triển GMS tới năm 2030. Hội nghị cũng ghi nhận 6 văn kiện về khí hậu và môi trường, số hóa, đầu tư, bình đẳng giới, y tế, số hóa tài liệu thương mại để triển khai trong thời gian tới.
Chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (chương trình GMS) được khởi xướng từ năm 1992 với sự tham gia của các thành viên: Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Việt Nam và Trung Quốc (với 2 tỉnh đại diện là Vân Nam và Quảng Tây).
Trong hơn 3 thập kỷ qua cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong đã đem lại hiệu quả lớn, đặc biệt trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng, thông tin viễn thông, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp và nông nghiệp.
Hơn 12.500 km đường bộ, 1.000 km đường sắt đã được xây dựng; gần 3.000 MW điện được tạo ra và hơn 2.600 km đường dây truyền tải điện được hình thành, giúp cung cấp điện cho hơn 165.000 hộ gia đình.
Riêng giai đoạn 2021-2024, GMS đã huy động được gần 133 tỷ USD để triển khai hơn 500 dự án phát triển tại tiểu vùng.
Các hành lang kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây đã thực sự trở thành mô hình kiểu mẫu cho hợp tác, kết nối kinh tế liên quốc gia, góp phần thúc đẩy thương mại và đầu tư khu vực, gắn kết vùng sâu vùng xa với cảng biển, sân bay và các trung tâm kinh tế lớn.
Thảo Ngân
Theo Cổng TTĐT Chính phủ