Thủ tướng dự hội nghị tổng kết của ngành kế hoạch và đầu tư

Thủ tướng dự hội nghị tổng kết của ngành kế hoạch và đầu tư
19 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành kế hoạch và đầu tư - Ảnh: VGP
Sáng 28/12, tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Hòa Lạc, Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành kế hoạch và đầu tư.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã không ngừng nỗ lực, quyết tâm, phấn đấu hoàn thành một khối lượng công việc lớn, quan trọng có tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, chiến lược của Đảng và Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng các kịch bản tăng trưởng, tranh thủ thời cơ phục hồi và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước.
Trong năm 2024, Bộ đã kịp thời nghiên cứu, theo dõi, đánh giá và dự báo sát tình hình để từ đó tích cực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp có cơ sở khoa học và thực tiễn, có trọng tâm, đủ độ sâu và linh hoạt, phù hợp với yêu cầu trong ngắn hạn và trung hạn nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, liên kết vùng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp.
Bộ đã hoàn thành nhiệm vụ báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua 5 nghị quyết, 2 luật và nghiên cứu để tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi Luật Doanh nghiệp, xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế. Trong đó, Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã xác định 5 nhóm chính sách lớn theo tinh thần đột phá, cải cách trong quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư công, tháo gỡ ngay các vướng mắc, điểm nghẽn.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu đã xác định 9 nhóm chính sách lớn theo tinh thần tập trung sửa đổi những quy định có mâu thuẫn, đang gây vướng mắc để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; đồng thời, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước, cam kết quốc tế của Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kịp thời nghiên cứu, theo dõi, đánh giá và dự báo sát tình hình, chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách, xây dựng các kịch bản tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Các giải pháp được Bộ đưa ra đều là các giải pháp mạnh, có trọng tâm, đủ độ sâu và linh hoạt, phù hợp với yêu cầu trong ngắn hạn và trung hạn nhằm tranh thủ tối đa thời cơ phục hồi và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm tốt công tác tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, triển khai các biện pháp nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chất lượng cao; thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi, gia tăng niềm tin và khơi dậy tinh thần kinh doanh, tinh thần sáng tạo và bản lĩnh của doanh nghiệp.
Cùng với đó, tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, cụ thể hóa các chính sách phát huy mô hình kinh tế mới (kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn...), đẩy mạnh liên kết vùng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
KIỀU CHINH
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/thu-tuong-du-hoi-nghi-tong-ket-cua-nganh-ke-hoach-va-dau-tu-37020.html