Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thắp nến tri ân các phần mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.
Sự kiện do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ và Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị phối hợp tổ chức. Cùng tham dự có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Thượng tướng Nguyễn Văn Hiền, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Ngọc Quang; Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy; cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, lão thành cách mạng, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và đông đảo đoàn viên thanh niên.
THẮP SÁNG TRI ÂN
Trong không khí trang nghiêm, xúc động tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn nơi yên nghỉ của 10.263 Anh hùng liệt sĩ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu đã thực hiện nghi thức dâng hương, dâng hoa, dành phút mặc niệm và thắp nến tri ân tại từng phần mộ. Cùng thời điểm này, tại hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ và 4.000 công trình ghi công trên cả nước, đoàn viên thanh niên cũng đồng loạt thắp nến tưởng niệm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ - Ảnh: Nhật Bắc
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự xúc động và lòng biết ơn sâu sắc: “Trong giờ phút thiêng liêng và lắng đọng này, chúng ta kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, các bậc tiền bối cách mạng, các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc, ấm no của Nhân dân”. Thủ tướng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi lời tri ân tới các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng bằng tất cả sự kính trọng và tình cảm chân thành nhất.
Tại buổi lễ, Thủ tướng và các đại biểu đã trao di ảnh phục chế của 80 liệt sĩ đến tay thân nhân. Những bức ảnh này được Trung ương Đoàn phối hợp với nhóm Skyline phục dựng bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), góp phần “trả lại tên” và gương mặt cho những người đã ngã xuống vì đất nước.
TRANG VÀNG LỊCH SỬ GHI DANH NHỮNG NGƯỜI ANH HÙNG
Trong bài phát biểu, Thủ tướng khẳng định, từ ngàn đời nay, dân tộc Việt Nam luôn kiên cường chống giặc ngoại xâm, giữ vững nền độc lập, tự do. Trong thời đại Hồ Chí Minh, tinh thần ấy tiếp tục được phát huy mạnh mẽ với những chiến công hiển hách, góp phần đưa đất nước sánh vai cùng các dân tộc độc lập trên thế giới.
Trong các cuộc kháng chiến vệ quốc, chiến tranh bảo vệ biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế, đất nước có khoảng 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 300.000 người chưa đầy đủ thông tin, 175.000 liệt sĩ chưa rõ nơi hy sinh; khoảng 652.000 thương binh, gần 200.000 bệnh binh, trên 132.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 300.000 người chịu ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Có thể nói, đất nước ta vinh dự, tự hào đã sinh ra các Anh hùng liệt sĩ và các Anh hùng liệt sĩ đã làm rạng rỡ non sông, đất nước”.
Đặc biệt, Quảng Trị – “tọa độ lửa” trong chiến tranh – là nơi đã tiễn những đoàn quân ra trận với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hơn 74.000 người con đã ngã xuống, hiện an nghỉ tại 157 nghĩa trang trên địa bàn tỉnh.
"Có thể nói, đất nước ta vinh dự, tự hào đã sinh ra các Anh hùng liệt sĩ và các Anh hùng liệt sĩ đã làm rạng rỡ cho non sông, đất nước ta", Thủ tướng xúc động phát biểu - Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác đền ơn đáp nghĩa, không ngừng hoàn thiện chính sách để người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên so với cộng đồng dân cư.
Các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công đã được triển khai đồng bộ. Mới đây, toàn quốc đã hoàn thành kế hoạch hỗ trợ nhà ở cho thân nhân liệt sĩ, người có công. Đồng thời, các hoạt động thu nhận mẫu ADN thân nhân liệt sĩ đang được thực hiện khẩn trương nhằm xác định danh tính hài cốt còn thiếu thông tin – một công việc không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là “mệnh lệnh từ trái tim, đạo lý làm người sâu sắc”.
“Chúng ta phải sống xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước. Mỗi ngọn nến thắp lên hôm nay không chỉ là sự tri ân quá khứ mà còn là ánh sáng soi đường cho tương lai”, Thủ tướng nói.
TIẾP LỬA TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC
Nhắc lại những chặng đường vẻ vang của đất nước – từ Cách mạng Tháng Tám, thống nhất đất nước đến hành trình 40 năm Đổi mới, Thủ tướng khẳng định, mọi thành tựu đạt được hôm nay đều có phần đóng góp không thể đong đếm của những người đã hy sinh và chịu nhiều mất mát. “Chúng ta mãi mãi, đời đời nhớ ơn các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao di ảnh liệt sĩ tới các gia đình liệt sĩ. Ảnh: Nhật Bắc
Để tiếp nối truyền thống ấy, Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành, địa phương tiếp tục: Quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng, bổ sung, hoàn thiện chính sách chăm lo người có công hiệu quả và toàn diện hơn.
Đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, giải quyết thủ tục nhanh chóng, không để gián đoạn chính sách; thể hiện trách nhiệm và tình cảm chân thành đối với người có công. Huy động các nguồn lực xã hội, thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ như “Nhà tình nghĩa”, “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”, “Nghĩa tình đồng đội”, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Có biện pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực để người có công, thương bệnh binh phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần vào sự phát triển của đất nước. Tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, khơi dậy lòng yêu nước trong thế hệ trẻ; đẩy mạnh các hoạt động tôn tạo nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ; chăm sóc người có công với tinh thần “uống nước nhớ nguồn”.
Thủ tướng cũng giao Trung ương Đoàn sớm phát động các chương trình tìm kiếm nhân chứng, thu thập tư liệu về các Anh hùng liệt sĩ, với tinh thần thần tốc, tranh thủ từng ngày để gìn giữ những mảnh ghép lịch sử sống động.
Nguyễn Thuấn