Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc họp báo tại Berlin. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Trong cuộc trả lời phỏng vấn được tờ Suddeutsche Zeitung (Đức) đăng tải hôm 15/11, Thủ tướng Scholz cho biết: “Thật bất ngờ là cuộc điện đàm với Tổng thống đắc cử của Mỹ lại diễn ra một cách chi tiết và hiệu quả đến vậy”.
Nhà lãnh đạo Đức tiết lộ rằng trong cuộc điện đàm ngày 10/11, ông và Tổng thống đắc cử Trump đã trao đổi khá lâu về Ukraine. Tuy nhiên, Thủ tướng Scholz cũng cho rằng việc công khai chi tiết cuộc điện đàm của họ là không phù hợp. Nhà lãnh đạo Đức Scholz đánh giá quan điểm của ông Trump phức tạp và đa chiều hơn những gì mọi người thường giả định.
Năm ngày sau cuộc điện đàm với Tổng thống đắc cử Trump, Thủ tướng Scholz đã trao đổi qua điện thoại với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Đức Scholz trông gần 2 năm qua.
Trong cuộc điện đàm kéo dài 1 tiếng, ông Putin khẳng định Moskva sẵn sàng đàm phán để giải quyết xung đột ở Ukraine, dựa trên các đề xuất đã được Bộ Ngoại giao Nga công bố vào tháng 6.
Điện Kremlin đã chia sẻ về nội dung cuộc điện đàm ngày 15/11: "Liên quan đến triển vọng giải quyết xung đột bằng chính trị và ngoại giao, Tổng thống Nga lưu ý rằng Moskva chưa bao giờ từ chối và vẫn sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán đã bị chính quyền Kiev làm gián đoạn”.
Tổng thống Putin đã họp với ban lãnh đạo Bộ Ngoại giao Nga vào tháng 6, trong đó ông nêu bật những điều kiện để đàm phán với Ukraine. Các điều kiện này bao gồm quân đội Ukraine rút khỏi Donetsk và Lugansk, các vùng Zaporizia, Kherson. Bên cạnh đó là cam kết của Ukraine về việc áp dụng quy chế không liên kết, phi phát xít hóa và phi quân sự hóa đất nước, dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng tất cả điều kiện này phải được ghi nhận trong các thỏa thuận quốc tế cơ bản.
Trong một diễn biến khác, ngày 16/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định xung đột ở Ukraine sẽ được giải quyết trên bàn đàm phán. Bộ trưởng Austin nhấn mạnh Mỹ mong muốn đảm bảo Ukraine ở vị thế tốt nhất để bảo vệ lợi ích, song trong tương lai, vấn đề cuối cùng sẽ được giải quyết thông qua đàm phán.
Ở chiều ngược lại, trả lời phỏng vấn với tập đoàn truyền thông Funke, Đại sứ Đức tại Nga Alexander Graf Lambsdorff cho rằng chưa đến lúc để đàm phán với Nga về hòa bình tại Ukraine, đồng thời nhấn mạnh châu Âu sẽ đóng vai trò trong việc giải quyết cuộc xung đột.
Hà Linh/Báo Tin tức (Theo TASS, Politico)