Thủ tướng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam. Ảnh: Báo Quảng Nam
Chiều 8/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam.
Các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp đánh giá, Quảng Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển, với diện tích gần 10.600 km² (thứ 6 cả nước); dân số trên 1,5 triệu người (thứ 20 cả nước), gồm 37 dân tộc anh em.
Năm 2024, tăng trưởng GRDP của tỉnh bắt đầu phục hồi tốt, từ giảm 8,25% năm 2023 đến tăng 7,1% năm 2024; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 68,3%). Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2024 đạt 27.600 tỷ đồng, tăng 10,1% so với năm 2023.
Thu hút đầu tư tạo được động lực tăng trưởng. Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 241 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư trên 6,45 tỷ USD, xếp thứ 20 cả nước; trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Du lịch cũng là điểm sáng khi năm 2024, tỉnh thu hút được 8 triệu lượt khách, trong đó có 5,5 triệu lượt khách quốc tế, chiếm gần 31,3% khách quốc tế đến Việt Nam, vừa đem lại giá trị kinh tế, vừa quảng bá đất nước, con người xứ Quảng nói riêng, Việt Nam nói chung.
Phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt ít nhất 10%
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp về những kết quả, thành tựu của Quảng Nam thời gian qua, nhất là tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển hạ tầng, khuyến khích doanh nghiệp làm được một số việc; khai thác các di sản Hội An, Mỹ Sơn; cùng cả nước tổ chức cho nhân dân đón Tết, nhà nhà có Tết, người người có Tết…; đóng góp vào thành tựu, kết quả chung của cả nước.
Chia sẻ một số băn khoăn, trăn trở về khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, Thủ tướng cho rằng, Quảng Nam cần phát huy cao độ hơn nữa nguồn lực con người Quảng Nam anh hùng, cách mạng, phát huy truyền thống lịch sử hào hùng "anh dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ" để đi đầu trong phát triển kinh tế ngày nay.
Tỉnh có hạ tầng giao thông tương đối đầy đủ các loại hình nhưng chưa khai thác tối đa hiệu quả. Nhân lực chất lượng cao còn thiếu. Vùng núi phía Tây của tỉnh còn khó khăn. Một số chỉ số quan trọng về đánh giá môi trường kinh doanh xếp thứ hạng không cao. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm ngoài 30 tỉnh, thành phố tốt nhất Việt Nam năm 2023; chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) xếp 56/63; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh xếp thứ 48/63...
Chỉ rõ 10 nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu Quảng Nam nỗ lực hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2025 và giai đoạn 2021-2025, phấn đấu tăng trưởng kinh tế tỉnh cả năm đạt ít nhất 10%. Muốn vậy, các doanh nghiệp trên địa bàn, các ngành có liên quan, các huyện, thành phố phải cùng quyết tâm, nỗ lực với chỉ tiêu được giao cụ thể; phát triển các lĩnh vực thế mạnh như công nghiệp, năng lượng, thương mại, logistics, du lịch, dịch vụ; và đẩy mạnh đa dạng hóa, thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, kinh tế ban đêm… và các ngành, lĩnh vực mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí.
Cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ, phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, đẩy mạnh thực hiện Đề án 06...
Thủ tướng gợi ý Quảng Nam lấy đường ven biển làm hành lang phát triển mới, quy hoạch phía Đông đường ven biển phải dành quỹ đất cho phát triển dịch vụ, sản xuất kinh doanh, còn phát triển công nghiệp và đô thị tại phía Tây tuyến đường, các khu đô thị, bất động sản càng sát núi càng tốt...
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP
Cũng tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã cho ý kiến cụ thể về các đề xuất, kiến nghị của Quảng Nam để giải quyết dứt điểm các vấn đề, vướng mắc liên quan việc xã hội hóa đầu tư, khai thác sân bay Chu Lai gắn với khu phi thuế quan Tam Quang; bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới Hội An, Mỹ Sơn; phát triển khu kinh tế mở Chu Lai trở thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ ô tô và cơ khí đa dụng quốc gia; đầu tư luồng Cửa Lở cho tàu 50.000 tấn và quy hoạch trung tâm logistics container tại cảng Chu Lai; đầu tư, nâng cấp quốc lộ 14D, 14B; điều chỉnh quy hoạch khu đô thị đại học Đà Nẵng…
Thủ tướng nêu rõ, sân bay Chu Lai có vị trí rất chiến lược, quan trọng, là tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Vì vậy, sân bay Chu Lai phải xây dựng ở cấp 4F (cấp cao nhất trong phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế) và quy hoạch, phát triển đô thị sân bay, phát triển hệ sinh thái sân bay.
Thủ tướng giao tỉnh Quảng Nam là cơ quan có thẩm quyền để kêu gọi nhà đầu tư, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, hoàn thành thủ tục trong 6 tháng đầu năm 2025 và hoàn thành đầu tư xây dựng sân bay này để khai thác lưỡng dụng trong vòng 2 năm.
Nêu rõ trong tương lai, tỉnh phải tích cực tham gia cùng các địa phương làm dự án đường sắt tốc độ cao, đồng thời nghiên cứu mở đường cao tốc lên biên giới với nước bạn Lào, Thủ tướng cũng chấp thuận đề xuất về đầu tư luồng Cửa Lở cho tàu 50.000 tấn và quy hoạch trung tâm logistics Chu Lai, yêu cầu tỉnh hoàn thành các thủ tục để đến tháng 6/2027, phải hoàn thành trung tâm này.
Đinh Nhung
VGP, Báo Quảng Nam