Ngày 9/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc chủ trì phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo.
Cùng dự phiên họp có: Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan thuộc Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: VGP.
Phiên họp đánh giá tiến độ thực hiện sau phiên họp thứ 5, tập trung vào việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công, thân nhân liệt sĩ. Đồng thời rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Kết luận Phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh đất nước chuẩn bị kỷ niệm nhiều sự kiện lớn như 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), 80 năm Cách mạng Tháng Tám, 80 năm Quốc khánh 2/9, việc xóa nhà tạm là hành động tri ân thiết thực, cụ thể, cần được tăng tốc, hoàn thành đúng tiến độ.
Nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, thời hạn hoàn thành chương trình đã được rút ngắn từ năm 2030 xuống 2025, sau đó tiếp tục rút xuống 31/8/2025.
Thủ tướng yêu cầu dứt khoát hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc trước ngày 31/8, đúng dịp chào mừng 80 năm Quốc khánh 2/9.
Riêng việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công, thân nhân, gia đình liệt sĩ hoàn thành trước ngày 27/7 để tỏ lòng tri ân sâu sắc trước sự hy sinh, cống hiến của các anh hùng liệt sĩ, những người có công với cách mạng bằng những việc làm thiết thực, cụ thể.
Các đại biểu tham dự phiên họp.
Thủ tướng biểu dương 18 tỉnh, thành đã hoàn thành nhiệm vụ; yêu cầu 16 địa phương còn lại phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, trực tiếp chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ.
Trước mắt, cần kiểm tra, rà soát lại để chậm nhất đến ngày 24/7, toàn bộ hộ người có công với cách mạng phải được hỗ trợ xóa nhà tạm; các địa phương còn nhà tạm, nhà dột nát cần khởi công đồng loạt số nhà chưa khởi công, phấn đấu hoàn thành, bàn giao cho người dân trước 15/8.
Thủ tướng chỉ đạo sát sao việc cập nhật số liệu, kiểm tra tiến độ, triển khai thực chất, "nói đi đôi với làm". Ngân sách đã được bố trí, địa phương cần chủ động ứng trước theo quy định. Đồng thời phát động phong trào toàn dân chung tay hỗ trợ, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc.
Cùng với đó, huy động lực lượng Quân đội, Công an, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ… trên địa bàn, các lực lượng này đã có chỉ đạo và luôn chủ động, sẵn sàng tham gia.
Đặc biệt, nếu người dân còn thiếu đất để xóa nhà tạm, nhà dột nát thì chính quyền địa phương phải bố trí cho họ.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tài chính xử lý nhanh các thủ tục liên quan ngân sách, kinh phí cho chương trình; Ngân hàng Nhà nước đôn đốc các ngân hàng giải ngân số tiền hỗ trợ theo cam kết.
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VGP.
Trước đó, báo cáo tại phiên họp, Bộ Dân tộc và Tôn giáo - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, tính đến hết ngày 8/7, có 18/34 địa phương hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát (đạt 52,9%).
Theo số liệu báo cáo của các địa phương trên phần mềm cập nhật đến hết ngày 8/7, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 264.522 căn (trong đó: khánh thành 229.328 căn và khởi công, đang xây dựng 35.194 căn).
Số nhà còn lại cần triển khai từ nay đến 31/8 là 25.232 căn (gồm: đang xây dựng 18.799 căn và chưa khởi công 6.433 căn). Bình quân mỗi địa phương cần triển khai thực hiện 26 căn/ngày (trong đó: khởi công mới gần 7 căn/ngày và hoàn thiện để bàn giao khoảng 19 căn/ngày).
Về kinh phí, tổng nguồn lực đã huy động (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, huy động xã hội hóa) đến thời điểm này được trên 17.802 tỷ đồng; huy động trên 113.400 lượt người với trên 1 triệu ngày công lao động cho công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Tổng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách nhà nước đã phân bổ hỗ trợ các địa phương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát là hơn 4.424 tỷ đồng.
Linh Đan