Tại Hungary, nền kinh tế mạnh mẽ đã giúp ông Orban giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử trước đây. Nhưng nay, ông đang đối mặt với nhiều khó khăn, và tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn khi châu Âu phải xử lý những mâu thuẫn về chính sách thuế quan với Mỹ.
Phe đối lập ở Hungary dường như đang mạnh hơn bất kỳ thời điểm nào trong 15 năm ông Orban cầm quyền. Mối quan hệ gần gũi của ông Orban với ông Trump không còn mang lại lợi thế rõ ràng nữa, khi chính sách thuế quan của Mỹ đe dọa cả nền kinh tế Hungary.
Một người cầm tấm biển có phác họa chân dung Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại tiệc nhậm chức được tổ chức bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Budapest, ngày 20/1. (Ảnh: Reuters)
Gần 100 ngày sau khi ông Trump đảo lộn thương mại toàn cầu và quan hệ xuyên Đại Tây Dương, Thủ tướng Orban cũng rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan giống như các nhà lãnh đạo và chính trị gia thiên hữu khác ở châu Âu: Họ đang phải tính toán lại xem liệu sự ủng hộ của họ dành cho ông Trump có ảnh hưởng đến tỷ lệ ủng hộ của họ ở trong nước hay không, vào thời điểm kinh tế ngày càng khó khăn.
Theo kết quả thăm dò do hãng Median tại Budapest thực hiện, đảng Tisza do một đồng minh cũ lãnh đạo đang dẫn trước đảng Fidesz cầm quyền của Thủ tướng Orban 4 điểm, trong bối cảnh các đảng đang chạy đua trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào đầu năm tới.
Kết quả thăm dò do các hãng khác thực hiện cho thấy phe đối lập dẫn trước với khoảng cách lớn hơn.
"Đây thực sự là lần đầu tiên kể từ năm 2010, đảng đối lập có cơ hội đáng kể để giành chiến thắng trong bầu cử", ông Bulcsu Hunyadi, một chuyên gia về chủ nghĩa dân túy thiên hữu tại hãng nghiên cứu Political Capital ở Budapest, cho biết.
Quá nhiều, quá sớm
Thủ tướng Orban từng nói rằng mối quan hệ "tuyệt vời" của Hungary với Mỹ sẽ mang lại sự thịnh vượng cho người dân Hungary.
Nhiều nhà phân tích cho rằng "nền dân chủ phi tự do" theo cách gọi của Thủ tướng Orban đang đối mặt với những thách thức chưa từng có.
Dù ông Orban vẫn còn thời gian để lật ngược tình thế trong 1 năm trước khi bước vào cuộc bầu cử, nhưng những dấu hiệu đáng ngại đối với chính phủ của ông được coi là bước lùi đối với phe bảo thủ ở Mỹ, sau khi họ ca ngợi Hungary như một thiên đường thiên hữu.
Việc Mỹ rút lại đảm bảo an ninh với Ukraine buộc châu Âu phải tái vũ trang và củng cố quốc phòng, và viễn cảnh về một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương thể hiện những dấu hiệu cho thấy châu Âu đang xốc lại tình đoàn kết.
Những người chỉ trích phe cực hữu cho rằng việc ủng hộ một tổng thống Mỹ chống châu Âu biến họ trở thành "tay sai của một thế lực nước ngoài", nhà nghiên cứu Javier Carbonell tại Trung tâm Chính sách châu Âu tại Brussels cho biết.
Chính sách thuế mới của Mỹ cũng khiến nhóm chính trị gia cực hữu ở châu Âu rơi vào thế khó. Ông Santiago Abascal - lãnh đạo đảng Vox của Tây Ban Nha, đã tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Trump. Ông nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ những người nông dân có thể sẽ chịu tác động nặng nề bởi chính sách thuế quan mới.
Ông Abascal không trực tiếp chỉ trích ông Trump, mà đề xuất để ông đến Washington đóng vai trò trung gian giữa Tây Ban Nha và Mỹ. Ông cũng đổ lỗi cho chính phủ trung tả và Liên minh châu Âu (EU) vì để tình hình trở nên khó khăn.
Các lãnh đạo của đảng cực hữu Alternative for Germany (AfD) ở Đức trước đây cũng ủng hộ ông Trump mạnh mẽ.
Ông Tino Chrupalla, đồng lãnh đạo AfD, bày tỏ đồng cảm với chính sách thuế quan. "Tổng thống Trump muốn bảo vệ nền kinh tế của mình. Điều đó không dễ hiểu sao?", ông nói với báo Bild.
Tuy nhiên, bà Alice Weidel - đồng lãnh đạo AfD, sau đó cảnh báo trong một bài đăng trên mạng xã hội về tác hại mà thuế quan sẽ gây ra cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu. "Chúng ta phải tìm kiếm giải pháp với Mỹ”, bà nói.
Tại Anh, ông Nigel Farage, chính trị gia dân túy hiện là lãnh đạo đảng Cải cách Vương quốc Anh, cũng không đồng tình với cách tiếp cận của Mỹ về thuế quan.
Phát biểu trên một chương trình phát thanh, ông Farage cho rằng ông Trump "đã làm quá nhiều, quá sớm", và so sánh với cách làm của bà Liz Truss - thủ tướng tại vị ngắn nhất của Anh, người đã gây hỗn loạn thị trường ngay sau khi nhậm chức năm 2022, khiến sau đó bà phải từ chức.
Những phát biểu này trái ngược với sự phấn khích của phe cánh hữu châu Âu sau lễ nhậm chức của ông Trump.
"Hôm qua, chúng tôi là những kẻ dị giáo. Hôm nay, chúng tôi đã trở thành xu hướng chính thống", Thủ tướng Orban phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo cực hữu châu Âu tại Madrid ngày 8/2.
Ông từng tự hào về quan hệ gần gũi của ông với Nhà Trắng. Gọi điện cho ông Trump là chuyện bình thường đến mức "không có giá trị tin tức thực sự", Thủ tướng Hungary nói với các nhà báo ngày 4/3, khi được hỏi về cuộc trò chuyện trước đó với tổng thống Mỹ.
Ông Orban cũng đã thể hiện quan điểm trái ngược với hầu hết các nhà lãnh đạo châu Âu khi ủng hộ việc chính quyền Tổng thống Trump giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).
Tú Linh
Theo Reuters