Cả Israel và nhóm Hamas đều đang chịu áp lực phải đồng ý chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 21 tháng ở Dải Gaza. Trẻ em phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng do khủng hoảng nhân đạo. Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty)
Bộ trưởng An ninh Israel Avi Dichter, thành viên nội các an ninh Israel, cho biết cuộc gặp sẽ không chỉ xoay quanh vấn đề Gaza, mà còn thảo luận khả năng thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Israel với Lebanon, Syria và Saudi Arabia - một mục tiêu trọng tâm trong chính sách Trung Đông của Mỹ.
Phát biểu trên Đài phát thanh Kan, ông Avi Dichter nhấn mạnh: “Chủ đề chính sẽ là ‘một Trung Đông mới’, điều mà trước đây chỉ là khái niệm, nhưng giờ đã mang ý nghĩa thực tế”.
Trước đó, ông Donald Trump liên tục thúc đẩy đạt thỏa thuận tại Dải Gaza và cho rằng một lệnh ngừng bắn có thể được công bố trong vài giờ hoặc vài ngày tới.
Rời Tel Aviv tối 7/7, Thủ tướng Netanyahu bày tỏ tin tưởng các bên có thể đạt thỏa thuận, khẳng định phái đoàn đàm phán Israel đã được chỉ đạo rõ ràng nhằm đạt lệnh ngừng bắn, song chỉ với các điều kiện Israel chấp nhận.
Các nguồn tin thân cận với Thủ tướng Israel cho biết các cuộc đàm phán tại Doha diễn biến tích cực. Tuy nhiên, phía Palestine tỏ ra thận trọng, cho rằng vòng họp đầu tiên chưa đạt kết quả cụ thể.
Theo The Guardian, đề xuất hiện tại bao gồm việc nhóm Hamas trả tự do cho khoảng 50 con tin trong thời gian ngừng bắn 60 ngày; Israel trả tự do cho hàng trăm tù nhân Palestine; rút quân khỏi một số khu vực tại Dải Gaza; tăng cường viện trợ nhân đạo và khởi động thảo luận về chấm dứt vĩnh viễn xung đột kéo dài 21 tháng qua.
Một thỏa thuận ngừng bắn trước đó đổ vỡ hồi tháng 3 khi Israel từ chối đàm phán giai đoạn hai, vốn có thể dẫn tới ngừng bắn lâu dài. Vì vậy, lực lượng Hamas hiện yêu cầu bảo đảm chắc chắn rằng Israel sẽ không nối lại chiến dịch quân sự sau khi kết thúc 60 ngày ngừng bắn.
Ngoài ra, nhóm Hamas cũng đề nghị Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế kiểm soát việc phân phối viện trợ nhân đạo tại Gaza, đồng thời yêu cầu loại tổ chức Gaza Humanitarian Foundation (GHF) - một đơn vị tư nhân do Mỹ và Israel hậu thuẫn, đang vướng nhiều tranh cãi.
Một vấn đề khác chưa có đồng thuận là yêu cầu của nhóm Hamas về việc Israel rút quân sâu hơn so với đề xuất hiện tại. Hiện quân đội Israel kiểm soát khoảng hai phần ba Dải Gaza, bao gồm các hành lang chiến lược và khu vực phía Nam.
Ông Michael Milstein, chuyên gia nghiên cứu về phong trào Hamas thuộc Đại học Tel Aviv, nhận định: “Nhóm Hamas rất mong muốn đạt ngừng bắn, nhưng họ cũng có giới hạn. Tại Israel, nhiều người tin rằng càng gia tăng sức ép, Hamas sẽ phải nhượng bộ. Tuy nhiên, sức ép còn có thể gia tăng đến mức nào nữa?”.
Phong trào Hamas là lực lượng kiểm soát ở Dải Gaza từ năm 2007, hiện chịu sức ép lớn sau nhiều thiệt hại nặng nề và mất kiểm soát tại nhiều khu vực. Tổ chức này cũng suy yếu sau khi Israel giành ưu thế trong các chiến dịch quân sự gần đây nhằm vào nhóm vũ trang Hezbollah và Iran, đặc biệt sau cuộc xung đột ngắn hồi tháng 6 kết thúc bằng việc Mỹ tấn công các cơ sở hạt nhân Iran và áp đặt lệnh ngừng bắn.
Một nguồn tin thân cận với phía Hamas cho biết: “Hamas cần thời gian ngừng bắn để tái tổ chức và củng cố lực lượng, song họ không sẵn sàng từ bỏ tất cả”.
Theo nguồn tin này, phía Hamas bác bỏ hai yêu cầu từ phía Israel không nằm trong đề xuất hiện tại, gồm giải giáp hoàn toàn và buộc ban lãnh đạo Hamas tại Dải Gaza rời khỏi vùng lãnh thổ này.
Israel tuyên bố đã tiêu diệt hơn 20.000 tay súng của nhóm Hamas, song chưa đưa ra bằng chứng cụ thể. Tuy vậy, nhiều nguồn tin cho rằng phần lớn các lãnh đạo cấp cao của Hamas tại Dải Gaza đã thiệt mạng.
Theo Cơ quan Y tế Gaza, hơn 57.000 người thiệt mạng kể từ khi Israel phát động chiến dịch quân sự, chủ yếu là dân thường - con số được Liên hợp quốc và nhiều nước phương Tây xác nhận.
Dải Gaza đang đối mặt với khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, với phần lớn 2,3 triệu dân rơi vào tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng, nhiều khu vực bị phá hủy.
Cơ quan phòng vệ dân sự Gaza cho biết, ngày 8/7, các cuộc không kích của Israel khiến ít nhất 12 người thiệt mạng, trong đó có 6 người tại một phòng khám nơi trú ẩn của người dân sơ tán. Tại phía Nam Gaza, hai người thiệt mạng và 20 người khác bị thương trong vụ nổ súng gần một điểm phân phối viện trợ do GHF điều hành.
Hàng trăm người đã thiệt mạng trong những tuần gần đây khi tìm kiếm lương thực tại các điểm phân phát viện trợ, đoàn xe nhân đạo của Liên hợp quốc hoặc các xe tải bị cướp.
Quân đội Israel chưa đưa ra bình luận về các báo cáo thương vong. Trong tuyên bố riêng, quân đội cho biết đã tấn công “hàng chục tay súng, kho vũ khí, trạm quan sát và cơ sở hạ tầng của các nhóm vũ trang” trong 24 giờ qua.
Cuộc xung đột bùng phát từ tháng 10/2023 sau vụ tấn công của Hamas nhằm vào miền Nam Israel khiến 1.200 người thiệt mạng và khoảng 250 người bị bắt giữ. Hiện còn khoảng 50 con tin tại Gaza, trong đó chưa đến một nửa được cho là còn sống.
Một số thành viên trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Netanyahu phản đối lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, theo The Guardian, trước làn sóng phản đối ngày càng gia tăng trong xã hội Israel và áp lực từ quân đội nhằm đưa các con tin trở về, chính phủ Israel nhiều khả năng sẽ ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn.
Hạ Nhi