Thủ tướng: 'Không để Hà Nội cô đơn trong triển khai cầu Tứ Liên'

Thủ tướng: 'Không để Hà Nội cô đơn trong triển khai cầu Tứ Liên'
4 giờ trướcBài gốc
Đến dự và phát lệnh khởi công công trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn.
Các đại biểu nhấn nút khởi công dự án.
Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho hay, việc đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và tuyến đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có vai trò quan trọng để kết nối nhanh khu vực phía Bắc, Đông Bắc sông Hồng, tỉnh Thái Nguyên thông qua đường cao tốc Hà Nội, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, giãn dân số, giảm tải cho các cầu Chương Dương, Long Biên, Thăng Long, Vĩnh Tuy và giảm áp lực giao thông trong đô thị lõi.
Đồng thời, từng bước hoàn thiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội, đảm bảo an ninh, quốc phòng cho Thủ đô và phát triển không gian đô thị hiện đại hai bên sông Hồng. Bên cạnh đó, dự án cầu Tứ Liên được xác định là một dự án quan trọng được lãnh đạo Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo cần sớm triển khai, phục vụ kết nối với Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia và tuyến đường từ sân bay Gia Bình về Trung tâm thành phố Hà Nội, góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.
Công trình cầu Tứ Liên với thiết kế kiến trúc dây văng hai mặt phẳng dây, cầu chính Tứ Liên dây văng rộng 43m, có kết cấu dầm thép nhịp chính 500m, trụ tháp cao 185m, cầu đúc hẫng, cầu thép. Cùng hai nút giao với đường Nghi Tàm và nút giao với đường Trường Sa, hầm chui, công trình khi hoàn thành vào năm 2027 sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc, là một trong những công trình cầu biểu tượng của thành phố Hà Nội.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu.
Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án khoảng 19.830 tỷ đồng. Tổng chiều dài dự án khoảng 5,15 km, điểm đầu kết nối với đường Nghi Tàm, điểm cuối kết nối với đường Trường Sa. Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ngay sau khi nhận sự chỉ đạo của lãnh đạo Trung ương Đảng và Chính phủ, thành phố Hà Nội đã đã tập trung quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao với nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt và phù hợp.
Với sự quyết tâm, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị các cấp, sự giúp đỡ tận tình của Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan, đến nay, sau khoảng thời gian hơn 5 tháng, các điều kiện để khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa, đã đảm bảo, đáp ứng đúng theo tiến độ đề ra.
Thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố đánh giá cao sự nỗ lực của chủ đầu tư, Sở, ngành, UBND các quận, huyện Tây Hồ, Long Biên và Đông Anh và các đơn vị liên quan. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia thực hiện dự án cần tập trung tối đa nguồn lực, nhân lực, thiết bị để tổ chức thi công khẩn trương, khoa học, an toàn; triển khai nghiêm túc theo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật hoàn thành dự án đúng tiến độ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công dự án cầu Tứ Liên sáng 19/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ, có hai điều mà Thủ tướng rất trăn trở với Hà Nội là ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Hà Nội còn nhiều vấn đề phải giải quyết, nhưng Thủ tướng cho rằng trước mắt cần tập trung giải quyết hai vấn đề này. Tuy nhiên, muốn giải quyết nhanh và đảm bảo thì phải có lộ trình, tính toán phù hợp, gắn với khả năng đáp ứng của Hà Nội. Trong quá trình làm phải chọn trọng tâm, trọng điểm, bố trí nguồn lực phù hợp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo.
Theo Thủ tướng, Hà Nội ngoài là đầu tàu về chính trị văn hóa, còn là đầu tàu về kinh tế. Ngoài cầu Tứ Liên, Hà Nội còn đang chuẩn bị xây dựng nhiều dự án lớn khác như Vành đai 4, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi… Trong đó, dự án cầu Tứ Liên góp phần kết nối vùng rất rõ ràng, kết nối giữa hai điểm lớn đang phát triển là quận Tây Hồ và huyện Đông Anh; đồng thời, kết nối vùng Đông Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang; kết nối giữa hai sân bay quốc tế lớn là Nội Bài và Gia Bình.
Thủ tướng đề nghị với UBND thành phố Hà Nội, các cấp ủy, chính quyền phải tiếp tục chỉ đạo, lãnh đạo công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ cho dự án, nhất là phía đầu cầu thuộc quận Tây Hồ. Đại diện chủ đầu tư cần trách nhiệm, đảm bảo dự án được triển khai đúng tiến độ, chất lượng, không đội vốn, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong quá trình triển khai dự án. Đối với các nhà thầu tham gia thi công dự án, trong đó đứng đầu là Tập đoàn Thái Bình Dương, Thủ tướng yêu cầu phải tập trung nguồn lực để thi công, rút ngắn tiến độ nhanh hơn nữa trong 24 tháng. Trong quá trình thi công, phải giám sát chất lượng dự án chặt chẽ, đảm bảo tiến độ, chất lượng và mỹ quan. Nhà thầu Thái Bình Dương phải mang những công nghệ tiên tiến nhất, hiện đại nhất để đưa vào thi công dự án.
Phối cảnh dự án cầu Tứ Liên.
Ngày 18/5 vừa qua, chủ đầu tư đã hoàn thành lựa chọn và ký hợp đồng với nhà thầu EPC (thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp) là Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc), Công ty TNHH Tập đoàn Viện khảo sát và thiết kế cầu lớn đường sắt Trung Quốc, Công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư xây dựng Vincons, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính, Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng và Thương mại Hưng Phú.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ ngành hỗ trợ thành phố tối đa “không để Hà Nội cô đơn” trong quá trình triển khai dự án. Quá trình triển khai nếu gặp các khó khăn, vướng mắc vượt quá thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết, phấn đấu 19/5/2027 có thể khánh thành công trình cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu.
Lê Huyền
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/thu-tuong-khong-de-ha-noi-co-don-trong-trien-khai-cau-tu-lien-331712.htm