Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2024 dưới sự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của người dân, doanh nghiệp và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, cả nước đã nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, đạt được thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, hoàn thành 15/15 chỉ tiêu cơ bản, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.
Thủ tướng nhấn mạnh, ông rất khâm phục, trân trọng, đánh giá cao sự đóng góp của ngành ngân hàng nói chung, trong đó có ngân hàng thương mại, trong những lúc khó khăn đã đoàn kết, chung tay cùng đất nước vượt qua những thử thách.
Thủ tướng cho rằng, ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế, mạch máu mà không thông thì chính sách tiền tệ không tốt, chính sách tiền tệ không tốt thì sẽ ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, đến tăng trưởng, đến lạm phát, tỷ giá…
Thủ tướng cho biết, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá về đích để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, phải phấn đấu tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8%, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để những năm tiếp theo tăng trưởng 2 con số và cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.
Toàn cảnh hội nghị.
Thủ tướng cũng cho biết, vừa qua Chính phủ đã báo cáo Bộ chính trị, báo cáo với Trung ương và đã được Trung ương thống nhất, đồng thời đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều qua (10/2) để tăng mức tăng trưởng của năm 2025 lên 8% trở lên.
Phân tích về tình hình thế giới hiện nay như các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật, EU... Thủ tướng cho rằng, từ đầu năm đến nay mới hơn 1 tháng nhưng tình hình thế giới thay đổi rất nhanh, sẽ khó khăn nhiều hơn và đang có xu hướng đứt gãy các chuỗi cung ứng, đứt gãy các chuỗi sản xuất, đứt gãy các thị trường. Đặc biệt là tình hình thế giới đã tác động đến chính sách. Trong đó có các chính sách liên quan đến chính sách vĩ mô, chính sách tiền tệ, liên quan thuế, chính sách tài chính, tài khóa… vì vậy Thủ tướng đã họp với các doanh nghiệp lớn và các ngân hàng lớn, uy tín trong hệ thống ngân hàng để cùng bàn, dự báo tình hình năm nay có những vấn đề gì khác so với năm 2024 để tìm ra các giải pháp, có đối sách kịp thời, có phản ứng cho phù hợp và cần bàn xem khó khăn thách thức cụ thể là gì? Tác động của địa chính trị, tác động của chính sách các nước ảnh hưởng như thế nào đối với nước ta?
"Chúng ta phải có đối sách gì, phản ứng thế nào? Các ngân hàng thương mại cần làm gì, chúng ta cùng bàn và hiến kế cho Chính phủ"- Thủ tướng đề nghị
Theo Thủ tướng, phải tiếp tục thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư. Bên cạnh đó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung nghiên cứu thêm các gói tín dụng cho vay đối với những người trẻ đang cần nhà ở.
Các đại biểu dự hội nghị.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, năm qua, ngân hàng nhà nước và ngành Ngân hàng đã triển khai tốt các nhiệm vụ của ngành, đã bám sát các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, theo dõi sát, nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các quyết sách để phản ứng kịp thời trước các vấn đề đột xuất, cấp bách, biến động bất thường trong hoạt động ngân hàng.
Kiên định mục tiêu ổn định tỷ giá trong bối cảnh chịu nhiều áp lực và khó khăn từ các diễn biến kinh tế - chính trị quốc tế khó lường, giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các TCTD tiếp tục giảm lãi suất cho vay; thực hiện tốt kênh dẫn vốn cho nền kinh tế. Hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, nhờ đó lãi suất cho vay giảm 1,24% so với cuối năm 2023. Thị trường ngoại tệ, tỉ giá ổn định. Thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá.
NHNN kịp thời chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả, tăng 15,08% so với cuối năm 2023 và đạt mục tiêu đề ra, bổ sung thêm cho nền kinh tế 2,2 triệu tỷ đồng trong đó doanh số cho vay 23 triệu tỷ đồng.
Thủ tướng cho rằng, ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế, mạch máu không thông thì chính sách tiền tệ không tốt.
Triển khai quyết liệt, hiệu quả, thực chất các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, nhất là hỗ trợ khắc phục hậu quả siêu bão số 3, các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, trong đó có Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, Chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long...
Chú trọng công tác cơ cấu lại, đảm bảo an toàn, phát triển lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng, tập trung kiểm soát chặt chẽ nợ xấu, hoàn thành chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém; Đi đầu trong cải cách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng; tiên phong triển khai Đề án 6 vào hoạt động ngân hàng.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Nhà sáng lập, Phó Chủ tịch Thường trực HDBank cho biết, sau cuộc gặp Tổng thống Donald Trump, hiện nay HDBank và các đối tác đang phối hợp thực hiện các hợp đồng 48 tỷ USD với các tập đoàn lớn của Mỹ, tạo ra gần 500.000 việc làm, và đang thương lượng nâng giá trị giao dịch lên 64 tỉ USD.
Bà Thảo kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy phát triển thị trường vốn, giảm áp lực lên tín dụng ngân hàng, hỗ trợ tăng trưởng dài hạn; giữ ổn định lãi suất, hỗ trợ tín dụng cho các chương trình ưu tiên, đồng thời điều hành tỷ giá linh hoạt để thúc đẩy xuất khẩu.
Vũ Khuyên/VOV