Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khi tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
NASK được thành lập vào năm 1992 tại Đại học Warsaw với tư cách là nhóm điều phối phát triển mạng máy tính học thuật. Nhóm này đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối Ba Lan với mạng Internet.
Từ năm 1993, NASK hoạt động như một đơn vị nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, mạng và dịch vụ công nghệ thông tin, truyền thông.
Hiện NASK là viện nghiên cứu nhà nước có nhiệm vụ số hóa Chính phủ, phát triển internet, bảo đảm tính bảo mật và an ninh mạng của Ba Lan thông qua nghiên cứu, triển khai các sản phẩm sáng tạo, các hoạt động xã hội và giáo dục nhằm tăng cường nhận thức về xã hội thông tin.
Thủ tướng đề xuất một số hướng hợp tác cụ thể của NASK với phía Việt Nam như hợp tác với các tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu của Việt Nam trong chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và hợp tác thương mại - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
NASK có 3 bộ phận nghiên cứu và 13 cơ sở khoa học chuyên về an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây. NASK cũng là Cơ quan đăng ký tên miền .pl (tên miền quốc gia cấp cao nhất của Ba Lan).
Việc Ba Lan đã đạt được những thành tựu to lớn trong lĩnh vực chuyển đổi số và an ninh mạng những năm qua một phần là nhờ sự đóng góp quan trọng của NASK.
Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan phát biểu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên đoàn đại biểu Việt Nam đã tham quan Trung tâm phản ứng nhanh về an ninh mạng của NASK; nghe giới thiệu về các thành tựu của NASK; hỏi đáp và tìm hiểu thêm về một số nội dung liên quan đến việc xây dựng trung tâm dữ liệu lớn của quốc gia, mối liên hệ với các trung tâm dữ liệu khác, chính sách thu hút, giữ chân nhân lực chất lượng cao, thể chế về sử dụng AI…
Phát biểu tại cuộc làm việc sau đó, Thủ tướng cho biết, trong kỷ nguyên số hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin - truyền thông và internet, trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều cơ hội, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức to lớn với nguy cơ từ các cuộc tấn công mạng, tội phạm công nghệ cao, xâm phạm quyền riêng tư, nguy cơ mất chủ quyền quốc gia trên không gian số…
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trên tinh thần đó, Việt Nam với tốc độ chuyển đổi số nhanh chóng, cũng đang tập trung xây dựng hệ sinh thái số bao gồm Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Với quan điểm coi cơ sở dữ liệu là tài nguyên quốc gia, Việt Nam đang đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu lớn của quốc gia (kết nối với trung tâm dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương), phát triển trí tuệ nhân tạo của Việt Nam.
Đây là lĩnh vực mới với Việt Nam, tinh thần là vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội để vừa phải đáp ứng yêu cầu phát triển theo xu thế thế giới, vừa bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia trên không gian mạng.
Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu, an ninh mạng và bảo mật thông tin trên không gian số đã trở thành một yếu tố then chốt quyết định sự phát triển thành công và bền vững của các quốc gia, đòi hỏi sự hợp tác và nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.
Chuyên gia của NASK chia sẻ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đánh giá cao và mong muốn học hỏi kinh nghiệm từ những quốc gia đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực này như Ba Lan, đồng thời mong muốn đẩy mạnh hợp tác để đưa ra các giải pháp chung đối với các thách thức toàn cầu.
Thủ tướng cũng cho biết Liên Hợp Quốc đã lựa chọn Hà Nội làm địa điểm mở ký Công ước Liên Hợp Quốc về Tội phạm mạng (hay còn gọi là "Công ước Hà Nội") trong năm 2025, thể hiện vai trò và quyết tâm của Việt Nam cùng thế giới thúc đẩy mạnh mẽ cuộc cách mạng về chuyển đổi số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng toàn cầu.
Trên nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp với bề dày lịch sử 75 năm giữa hai nước, Thủ tướng đề xuất một số trọng tâm hợp tác với Ba Lan trong lĩnh vực chuyển đổi số và an ninh mạng, trước hết là hợp tác nâng cao năng lực xây dựng thể chế, chính sách phát triển hạ tầng số và an ninh mạng, hợp tác, trao đổi chuyên gia, đào tạo nhân lực.
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Tào Đức Thắng phát biểu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng với đó, phát triển các giải pháp bảo mật tiên tiến, đặc biệt trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối và internet vạn vật (IoT) cũng như xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm và cơ chế ứng phó nhanh với các cuộc tấn công mạng quy mô lớn.
Đồng thời, tham gia xây dựng các cơ chế đa phương, bao gồm chia sẻ thông tin, dữ liệu về các mối đe dọa mạng và phối hợp ứng phó với tội phạm mạng xuyên quốc gia; xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế về bảo mật thông tin và bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.
Thủ tướng và các đại biểu tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng cũng đề nghị tăng cường hợp tác bảo vệ hạ tầng số quan trọng như hệ thống tài chính, năng lượng, giao thông và dịch vụ công; xây dựng không gian mạng lành mạnh, bảo vệ quyền riêng tư, cơ chế bảo đảm an toàn cho người sử dụng các dịch vụ số và chống phát tán thông tin sai lệch; hợp tác khai thác không gian vũ trụ trong kỷ nguyên số.
Thủ tướng cũng đề xuất một số hướng hợp tác cụ thể của NASK với phía Việt Nam như hợp tác với các tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu của Việt Nam trong chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và hợp tác thương mại.
Hà Văn