Thủ tướng lập 8 Tổ công tác gỡ vướng đầu tư công

Thủ tướng lập 8 Tổ công tác gỡ vướng đầu tư công
6 giờ trướcBài gốc
Quyết định nêu rõ việc thành lập 8 Tổ công tác do lãnh đạo Chính phủ làm tổ trưởng để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, xây dựng hạ tầng, nhà ở xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, nhằm đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025 và hai con số trong những năm tiếp theo. Cụ thể:
Tổ công tác số 1: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Tổ trưởng, theo dõi các địa phương: TP Hà Nội, TP HCM, TP Cần Thơ.
Tổ công tác số 2: Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm Tổ trưởng, theo dõi các Bộ, cơ quan trung ương: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; các địa phương: TP Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai, Bắc Ninh.
Tổ công tác số 3: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Tổ trưởng, theo dõi các Bộ, cơ quan trung ương: Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (bao gồm cả Hội Nông dân Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM; các địa phương: An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Vĩnh Long.
Tổ công tác số 4: Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm Tổ trưởng, theo dõi các Bộ, cơ quan trung ương: Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam; các địa phương: Đắk Lắk, Khánh Hòa, Lâm Đồng.
Tổ công tác số 5: Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng, theo dõi các Bộ, cơ quan trung ương: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Kiểm toán Nhà nước; các địa phương: Đồng Nai, Hưng Yên, Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng.
Tổ công tác số 6: Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng, theo dõi các Bộ, cơ quan trung ương: Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam; các địa phương: Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ.
Tổ công tác số 7: Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng làm Tổ trưởng, theo dõi các Bộ, cơ quan trung ương: Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; các địa phương: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị.
Tổ công tác số 8: Phó Thủ tướng Mai Văn Chính làm Tổ trưởng, theo dõi các Bộ, cơ quan trung ương: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; các địa phương: Tây Ninh, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai.
Thành phần các Tổ công tác gồm: Tổ phó là lãnh đạo Bộ Tài chính; các thành viên gồm lãnh đạo các Bộ: Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường, Công thương, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và một số cơ quan liên quan. Tổ trưởng quyết định thành phần cụ thể.
Bộ Tài chính là cơ quan thường trực của các Tổ công tác, có trách nhiệm xây dựng báo cáo cho Tổ trưởng, tổng hợp kết quả, đề xuất và kiến nghị để báo cáo Chính phủ trong các phiên họp thường kỳ.
Trên cơ sở số liệu giải ngân hàng tháng, Bộ Tài chính công khai danh sách các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công và Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính.
Về nhiệm vụ, các tổ công tác có trách nhiệm rà soát, tổng hợp và phân tích nguyên nhân gây khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng hạ tầng, nhà ở xã hội và đầu tư công; từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ, báo cáo Chính phủ trước ngày 25 hằng tháng.
Các Tổ công tác cũng sẽ đánh giá việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, xem xét trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, xử lý các điểm nghẽn, chậm trễ, nhất là với các công trình trọng điểm và trách nhiệm người đứng đầu.
Kiều Chinh
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/thu-tuong-lap-8-to-cong-tac-go-vuong-dau-tu-cong-43884.html