Chính phủ đang triển khai một nỗ lực toàn diện nhằm tháo gỡ vướng mắc cho 1.533 dự án đầu tư đang bị đình trệ trên cả nước, kích hoạt nguồn lực phát triển, đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và giải quyết các điểm nghẽn kéo dài nhiều năm.
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính – cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo rà soát vướng mắc các dự án – tính đến ngày 25/3, có 338 dự án đầu tư công, 1.126 dự án đầu tư ngoài ngân sách và 69 dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) đang gặp khó khăn. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã gửi văn bản phản ánh về 12 dự án bị vướng mắc chưa được giải quyết.
Bộ Tài chính đã phân loại 17 nhóm vấn đề như đất đai, giải phóng mặt bằng, pháp lý đầu tư, xử lý tài sản công, bố trí vốn đầu tư công… Các dự án cũng được chia theo thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, bộ ngành và chính quyền địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp ngày 30/3. Ảnh: Nhật Bắc
Tại cuộc họp ngày 30/3 với ban chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu hàng đầu là tháo gỡ dứt điểm vướng mắc, ách tắc tại các dự án tồn động kéo dài, nhằm giải phóng nguồn lực, tránh lãng phí cho Nhà nước và xã hội.
Ông cho biết việc khơi thông các dự án không chỉ giúp kích thích tăng trưởng GDP lên 8% trong năm 2025, mà còn mở đường cho tốc độ tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo.
Đồng thời, quá trình này sẽ tạo việc làm, cải thiện môi trường sống và góp phần phòng chống tham nhũng thông qua xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể.
“Công việc nhiều, thời gian ngắn, tính chất phức tạp, nên phải hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, phân rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các thủ tục để xử lý 1.533 dự án phải hoàn thành trước ngày 30/5. Các địa phương được giao xử lý triệt để các vướng mắc về mặt bằng, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi cản trở, chống đối.
Đối với nhóm dự án liên quan quy hoạch, Thủ tướng chỉ đạo rà soát các quy hoạch chuyên ngành để đảm bảo tính đồng bộ.
Với các vướng mắc trong kết luận thanh tra, bản án, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép các bộ, ngành vận dụng chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 170 và 171, áp dụng với các dự án có tính chất tương tự.
Các dự án có sai phạm nhưng đã cơ bản triển khai, khó thu hồi dự án sẽ được xem xét giải pháp khắc phục hợp lý, đặt hiệu quả và nhân văn lên hàng đầu, ưu tiên áp dụng các biện pháp về kinh tế, dân sự, hành chính trước.
Trong trường hợp chưa có quy định pháp lý điều chỉnh, Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội bổ sung cơ chế tại kỳ họp sắp tới.
Bộ Tài chính được giao xây dựng nghị quyết xử lý những nhóm vấn đề thuộc thẩm quyền và thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu về các dự án tồn đọng. Đồng thời, bộ này phối hợp với Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng công điện mới để chỉ đạo tiếp, đôn đốc tiến độ.
Chính phủ hiện đã ban hành một số nghị quyết liên quan, trong đó có Nghị quyết 233 về tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo, dự kiến đầu tháng 4 sẽ có thêm nghị quyết tháo gỡ cho 5 dự án tại TP.HCM.
Riêng với hai dự án bệnh viện trọng điểm – Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 – Chính phủ đã quyết định bố trí thêm ngân sách từ nguồn tăng thu năm 2024, đặt mục tiêu hoàn thành trong năm 2025.
Nhật Hạ