Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị
Sáng 8-1, phát biểu kết luận Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 - triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ xin tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại hội nghị để đưa vào Nghị quyết hội nghị; từ đó triển khai thực hiện bằng những hành động cụ thể, sản phẩm rõ ràng.
Theo Thủ tướng Chính phủ, năm 2024, tình hình kinh tế xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi rất tích cực, đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 12/15 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra. Những kết quả này là minh chứng cho nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, góp phần tạo đà để đạt được kết quả cao hơn, tăng cường tính tự chủ trong năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.
Về nhiệm vụ năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Để phấn đấu tăng trưởng ít nhất 8% hoặc cao hơn, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ rà soát, giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể về tốc độ tăng trưởng cho các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, xây dựng các kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng; xây dựng các chính sách tạo đột phá huy động các nguồn lực xã hội…
Nhiệm vụ rất quan trọng nữa là triển khai hiệu quả tổng kết Nghị quyết số 18; đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Thủ tướng cho biết đến giờ này, trung bình các cơ quan của Chính phủ giảm khoảng 30% đầu mối bên trong, có nơi giảm tới 50%, trên cơ sở đó cơ cấu lại đội ngũ lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức.
Cùng đó, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thủ tướng cho rằng, đây chính là động lực mới, như "khoán 10" trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, "đột phá của đột phá", "chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh" để giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.
Trong đó, Thủ tướng lưu ý, phải đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược; nghiên cứu khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm. Phấn đấu hết năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển; cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài;
Khởi công đường sắt kết nối với Trung Quốc, tiếp tục các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM; hoàn thiện việc xây dựng các dự án khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nhà máy hạt nhân Ninh Thuận; xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng...
Tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Triển khai hiệu quả Đề án đào tạo 50-100 nghìn kỹ sư bán dẫn.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị…
Thủ tướng cam kết, tập thể Chính phủ, từng thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương sẽ nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng và trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2025; tạo đà, tạo lực, tạo khí thế, tạo niềm tin, tạo hy vọng, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.
Hà Nội đang tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng thêm 9 cầu vượt sông Hồng
Phát biểu tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, năm 2024, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tiếp tục đoàn kết, thống nhất, nỗ lực triển khai và đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, thành phố đã hoàn thành 23/24 chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của năm 2024.
Nhiều công trình, dự án của thành phố đã được khánh thành, được khởi công chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Đồng thời, Thành phố đang tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng thêm 9 cầu vượt sông Hồng (hiện nay đã có 9 cầu); đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng 3 cầu (Hồng Hà, Mễ Sở, Vân Phúc), đồng thời đang tập trung chỉ đạo để quyết định chủ trương đầu tư 3 cầu (cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi).
Bên cạnh đó, TP. Hà Nội đang quyết liệt thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường với tinh thần triệt để, thực chất, toàn diện; phát động Phong trào "Sáng, xanh, sạch, đẹp Thủ đô", với cách làm mới, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân tham gia.
Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập"Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí", đưa nội dung phòng, chống lãng phí thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nhằm tháo gỡ khó khăn, phát huy nguồn lực đầu tư xã hội…
Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, năm 2025, Hà Nội đã xác định 325 nhiệm vụ và kế hoạch. Chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ tập trung quyết liệt chỉ đạo các giải pháp tăng tốc, bứt phá để đạt mục tiêu phát triển cao nhất, với tinh thần Hà Nội sẵn sàng tâm thế, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để cùng đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tiến Hưng