Sáng 5/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm.
Thủ tướng cho biết tăng trưởng GDP quý I/2025 ước đạt 6,93%, cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020-2025; nhiều địa phương có mức tăng trưởng 2 con số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo Quốc hội tình hình kinh tế - xã hội (Ảnh: Phạm Thắng).
Đề xuất tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án với tổng vốn 235 tỷ USD
Thống kê trong báo cáo của Chính phủ cho thấy có 9 địa phương tăng trưởng trên 10% là Bắc Giang, Hòa Bình, Nam Định, Đà Nẵng, Lai Châu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nam. Hai đầu tàu kinh tế có mức tăng trưởng tốt. TPHCM tăng trưởng 7,51%, Hà Nội 7,35%.
Trong 4 tháng đầu năm, thu ngân sách Nhà nước đạt trên 944.000 tỷ đồng, bằng 48% dự toán năm và tăng 26,3%.
Điểm sáng về kết cấu hạ tầng cũng được lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh với hướng phát triển đồng bộ, hiện đại, ưu tiên cho các dự án trọng điểm, quan trọng về đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, sân bay, cảng biển, hạ tầng giáo dục, y tế, xã hội…
Việc đồng loạt khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án trọng điểm, hạ tầng chiến lược kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và thông xe tuyến chính 5 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam... cũng là kết quả nổi bật được Thủ tướng nêu trong báo cáo trình bày trước Quốc hội.
Về văn hóa, xã hội, Thủ tướng cho biết Chính phủ tích cực triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để cho vay tiêu dùng, mua nhà ở xã hội đối với người trẻ tuổi, người nghèo, người thu nhập thấp.
Báo cáo về công tác xây dựng thể chế, cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, người đứng đầu Chính phủ thông tin tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội số lượng luật, nghị quyết lớn nhất từ trước đến nay tại một kỳ họp (44 dự án luật, nghị quyết); trong đó có nhiều nội dung quan trọng, có tính "mở đường" như phát triển khoa học, công nghệ, phát triển kinh tế tư nhân, một luật sửa nhiều luật trong lĩnh vực tài chính…
Chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ và chính quyền địa phương được triển khai quyết liệt, nhưng không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
"Cả nước hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Chính phủ còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 8 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ), đồng thời triển khai nhanh, quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp", theo báo cáo của Thủ tướng.
Đặc biệt, theo người đứng đầu Chính phủ, công tác phòng, chống lãng phí được triển khai quyết liệt và đạt kết quả tích cực, nhất là việc xử lý các công trình, dự án tồn đọng, kéo dài gây thất thoát, lãng phí nguồn lực.
Trong đó, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã hoàn thành rà soát, đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng (khoảng 235 tỷ USD) và tổng quy mô sử dụng đất khoảng 347.000ha.
Phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV.
"Xử lý được thì góp phần vào tăng trưởng kinh tế và chống lãng phí tốt. Vừa qua thực hiện quyết liệt, các bộ ngành, địa phương mạnh dạn chỉ ra dự án tồn đọng kéo dài, còn vướng mắc. Đây là nguồn lực rất lớn", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng thẳng thắn nêu những hạn chế, bất cập cần được xử lý quyết liệt, trong đó, việc phân cấp, phân quyền chưa triệt để, còn tập trung nhiều ở Trung ương, gây ách tắc và phiền hà cho cấp dưới.
Xây dựng những khu kinh tế có tiềm năng lớn
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên và quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD (dự kiến đứng thứ 30 trên thế giới, tăng 2 bậc), GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm, trong đó ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Ông nhấn mạnh giải pháp phấn đấu tăng thu ngân sách trên 15%; điều chỉnh bội chi ngân sách lên mức 4-4,5% GDP trong trường hợp cần thiết và tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch.
Quyết liệt phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nhất là các mặt hàng thuốc chữa bệnh, sản phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chức năng; ngăn chặn, xử lý nghiêm và chấm dứt hành vi quảng cáo sai sự thật, cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Thủ tướng quán triệt.
Các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV
Thủ tướng cũng lưu ý cần xây dựng chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế biên giới, khu thương mại tự do, khu kinh tế có tiềm năng lớn như Vân Đồn, Vân Phong, các đặc khu kinh tế mới...
Trong năm 2025, theo ông, phải bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí thủ tục hành chính; bảo đảm thực hiện thông suốt, liên tục các thủ tục hành chính trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
"Cải cách sâu rộng quản trị Nhà nước, hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị với tinh thần không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để", Thủ tướng nhấn mạnh.
Khẳng định phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với tinh thần quyết liệt "không ngừng, không nghỉ", Thủ tướng cho rằng cần nâng cao hiệu quả thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng...
Ngoài ra, theo lãnh đạo Chính phủ, cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới.
Phấn đấu năm 2025 hoàn thành mục tiêu cả nước có trên 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 và các dự án quan trọng khác, cũng được Thủ tướng nhấn mạnh.
Đi kèm với đó, ông nhắc đến mục tiêu tiếp tục đầu tư phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở; không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế chuyển từ công tác khám, chữa bệnh sang chăm sóc sức khỏe Nhân dân, hướng tới mục tiêu miễn viện phí cho tất cả người dân.
"Đây là việc làm khó nhưng nếu chúng ta làm tốt, tăng trưởng tốt thì có thể làm được với tốc độ thu ngân sách như hiện nay", Thủ tướng khẳng định.
Đặc biệt, theo yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ, các đơn vị liên quan cần khẩn trương hoàn thành xây dựng, đưa bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 đi vào hoạt động trong năm 2025.
PV