Thủ tướng nêu 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, thể thao, du lịch

Thủ tướng nêu 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, thể thao, du lịch
6 giờ trướcBài gốc
Sáng 18-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TT-DL) với chủ đề: "Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam".
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển thể thao và du lịch phải huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội. Ảnh: Nhật Bắc
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh qua lĩnh vực VH-TT-DL, chúng ta thấy sự kết tinh của quá khứ, hiện tại và điểm đến tươi sáng, hấp dẫn của tương lai. Văn hóa là sức mạnh nội sinh của dân tộc; thể thao là sức khỏe của đất nước, con người Việt Nam; du lịch là hình ảnh, sự quảng bá, tạo động lực, truyền cảm hứng về đất nước, con người, dân tộc Việt Nam ra bạn bè quốc tế.
Thủ tướng nhắc lại, từ hơn 80 năm trước, bản Đề cương Văn hóa Việt Nam của Đảng đã xác định vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa với ba nguyên tắc "dân tộc", "đại chúng", "khoa học". Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc", "Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất". Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo: "Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Marx- Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối của Đảng".
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 và thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - năm tăng tốc, bứt phá, về đích để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa (ngoài cùng bên trái) cùng các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
Trong năm 2025 diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước: Kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập nước. 2025 cũng là năm tập trung sắp xếp, tinh gọn tổ chức, tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Do đó, cần phải nỗ lực đạt kết quả cao hơn mục tiêu đã đề ra, đặc biệt là tăng trưởng GDP khoảng 8%. Các bộ, ngành, địa phương đều phải theo tinh thần này, trong đó có ngành VH-TT-DL. Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi.
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng chỉ rõ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Thứ nhất là tạo đột phá về thế chế theo hướng dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm", kiên quyết loại bỏ cơ chế "xin - cho". Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số…
Thứ hai, đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược, toàn diện, các thiết chế VH-TT-DL, cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng kết nối, đặc biệt là hạ tầng số trên cơ sở dữ liệu, trí tuệ nhân tạo.
Thứ ba, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành, có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp cho các ngành nghệ thuật, thể thao, có chính sách giữ chân người tài, động viên người có năng khiếu, đam mê và khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo và xử lý những người né tránh, sợ trách nhiệm.
Thứ tư, huy động nguồn lực cho sự phát triển thông qua cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là hợp tác công tư, lấy nguồn vốn Nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, của người dân và doanh nghiệp.
Theo Thủ tướng, ngoài nguồn lực đã có như tài chính, đất đai, con người thì thể chế, cơ chế, chính sách cũng là biện pháp huy động nguồn lực. Do đó, cần tích cực suy nghĩ, đề xuất chính sách để phát huy các hình thức hợp tác công tư rất phong phú, dư địa còn rất lớn để khai thác các thiết chế văn hóa, đặc biệt là các sân vận động như Mỹ Đình…
"Chúng ta đã có Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, nhưng nếu chỉ trông chờ nguồn lực Nhà nước thì rất khó phát triển. Phát triển ngành VH-TT-DL, ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí phải huy động nguồn lực hợp tác công tư, nguồn lực xã hội, nguồn lực doanh nghiệp"- Thủ tướng nói.
Thứ năm, nâng cao năng lực quản lý, quản trị ngành theo hướng thông minh, trên cơ sở dữ liệu.
Thứ sáu, xây dựng các điển hình tiên tiến, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, tạo phong trào, xu thế phát triển… "Tại sao chúng ta không tổng kết, nhân rộng 2 concert "Anh trai vượt ngàn chông gai" và "Anh trai say hi"? Tại sao bóng đá nữ, bóng chuyền nữ đạt thành tựu như vậy? Tại sao du lịch có những điểm đến hấp dẫn như thế?"- Thủ tướng đặt vấn đề.
Thứ bảy, tạo cơ hội, cơ chế cho người dân Việt Nam được thụ hưởng thành quả của VH-TT-DL.
Thủ tướng nhắc lại và lưu ý phát triển văn hóa là sức mạnh nội sinh, hồn cốt của dân tộc; phát triển ngành thể thao để nâng cao thể lực, sức khỏe người dân, trong đó phát triển thể dục thể thao quần chúng theo chiều rộng, nhưng thể thao thành tích cao phải theo chiều sâu; phát triển du lịch bứt phá, là ngành mũi nhọn, gắn với văn hóa, thể dục thể thao.
Yến Anh
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/thu-tuong-neu-7-nhom-nhiem-vu-giai-phap-phat-trien-van-hoa-the-thao-du-lich-1962412181302249.htm