Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành đã tập trung phân tích những bất cập trong thị trường vàng, tình trạng đầu cơ vàng, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm quản lý thị trường vàng hiệu quả, giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, bốn nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới bao gồm: chi phí vận chuyển cao; doanh nghiệp độc quyền nhập khẩu vàng; mất cân đối cung cầu; và tâm lý cũng như văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, vốn chuộng tích trữ vàng. Đặc biệt, hiện nay việc mua bán vàng gặp khó khăn do bị khống chế về lượng mua, thiếu công khai, minh bạch và thông tin dữ liệu. Việc huy động vàng trong dân để đưa vào sản xuất kinh doanh cũng chưa đạt kỳ vọng.
Ông Cấn Văn Lực đề xuất: "Chúng ta cần thống nhất quan điểm về phạm vi quản lý. Chúng ta chỉ nên quản lý vàng miếng, không cần quản lý vàng trang sức thủ công mỹ nghệ vì đây là nhu cầu văn hóa và cần được tự do. Thứ hai, cần kiểm soát hợp lý hiện tượng vàng hóa trong nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước nên tính toán mức độ hợp lý trong việc này. Tuy nhiên, chúng tôi kiến nghị dứt khoát phải chấm dứt quan hệ vay mượn bằng vàng và các vòng vay vàng vì điều này cực kỳ nguy hiểm".
Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam Đinh Nho Bảng kiến nghị: "Xem xét cho phép một số doanh nghiệp có uy tín và đủ điều kiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước được sản xuất vàng miếng mang thương hiệu của mình. Tuy nhiên, vàng cần được huy động để đưa vào sản xuất kinh doanh. Do đó, chính sách cần định hướng cụ thể để quản lý hạn mức sản xuất sao cho không khuyến khích sản xuất quá mức".
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, ngay trong tháng 5 sẽ ban hành kết luận thanh tra liên ngành đối với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng kinh doanh vàng. Đối với thị trường vàng miếng, Nhà nước sẽ tiếp tục giữ quyền độc quyền sản xuất, xuất khẩu và nhập khẩu vàng miếng, cũng như nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng thông qua Ngân hàng Nhà nước hoặc chỉ định bốn ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện.
Đối với thị trường vàng trang sức mỹ nghệ, Nhà nước cũng giữ quyền độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu nhưng chỉ định bốn ngân hàng thương mại nhà nước nhập khẩu và bán lại cho các doanh nghiệp đủ điều kiện. Ngân hàng Nhà nước đề xuất sửa đổi các quy định nhằm tăng tính minh bạch và tuân thủ về hóa đơn, chứng từ. Đây là định hướng chính trong việc sửa đổi Nghị định 24.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: "Ngân hàng Nhà nước cũng tính đến việc trong Nghị định 24 cần có sự quản lý thông qua cấp phép và Ngân hàng Nhà nước sẽ không trực tiếp nhập khẩu như trước đây. Trường hợp cần thiết, chỉ định một số ngân hàng thực hiện. Hiện tại, đối với thị trường vàng trang sức mỹ nghệ, Nghị định 24 chưa kiểm soát chặt chẽ; việc cấp phép chỉ áp dụng với các nhà sản xuất trang sức mỹ nghệ liên quan đến vàng nhập khẩu".
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: "Mục tiêu của chúng ta là ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và huy động sức mạnh dự trữ vàng trong dân để phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, không để xảy ra tình trạng thao túng thị trường vàng".
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đưa ra giải pháp quản lý thị trường vàng và khai thác nguồn lực vàng trong dân; đồng thời hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thị trường vàng trong tháng 6.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: "Giải pháp trước mắt là giảm chênh lệch giá vàng. Sự chênh lệch này chủ yếu do cung cầu. Chúng ta cần tăng cung và giảm cầu. Ví dụ, các doanh nghiệp nhập khẩu không được để độc quyền và có thể sử dụng các biện pháp tài khóa như phí, lệ phí để điều chỉnh. Cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để người dân không tập trung mua vàng kinh doanh".
"Giải pháp lâu dài là xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, ngăn chặn và xử lý tình trạng thao túng thị trường vàng. Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, và nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24 theo hướng rút gọn, phù hợp với tình hình. Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần phối hợp nghiên cứu hình thành sàn giao dịch vàng để người dân tự do giao dịch trên sàn. Việc quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước cần được tách bạch khỏi hoạt động kinh doanh vàng để thị trường phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng kết luận: "Chúng ta cần có sàn giao dịch vàng như sàn chứng khoán. Người dân có thể tự do giao dịch, mua bán vàng trên sàn điện tử, trong khi Nhà nước vẫn nắm giữ quyền quản lý. Đồng thời, cần thúc đẩy sản xuất trang sức để tạo việc làm và tách bạch quản lý nhà nước với kinh doanh vàng để phù hợp hơn với thực tế".
Phương Thoa/VOV1