Thủ tướng Nhật Bản công du Đông Nam Á: Cách tiếp cận mới của Tokyo

Thủ tướng Nhật Bản công du Đông Nam Á: Cách tiếp cận mới của Tokyo
12 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru công du Đông Nam Á từ ngày 9-12/1. (Nguồn: Reuters)
Mở đầu năm 2025, ông Ishiba Shigeru có chuyến công du bốn ngày đến hai nước Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia từ ngày 9/1. Do bất ổn chính trị tại Hàn Quốc khởi nguồn từ lệnh thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Ishiba hoãn chuyến thăm Seoul theo kế hoạch ban đầu.
Như vậy, hai quốc gia thành viên ASEAN trở thành điểm đến trong chuyến thăm song phương đầu tiên của ông Ishiba kể từ khi nhậm chức Thủ tướng vào tháng 10 năm ngoái. Trước đó, ông Ishiba công du nước ngoài một số lần để dự các hội nghị đa phương.
Tại Indonesia, ông Ishiba sẽ gặp Tổng thống Prabowo Subianto, người cũng mới nhậm chức hồi tháng 10/2024, nhấn mạnh trọng tâm hợp tác an ninh. Tại Malaysia, nhà lãnh đạo Nhật Bản hội kiến người đồng cấp Anwar Ibrahim để thúc đẩy hợp tác ASEAN - Nhật Bản và chuẩn bị cho các cuộc họp thượng đỉnh liên quan của ASEAN dự kiến diễn ra vào tháng 10 năm nay.
Hợp tác an ninh với Đông Nam Á
Việc Thủ tướng Ishiba chọn Indonesia và Malaysia trong chuyến công du lần này là động thái đáng chú ý. Đây đều là hai nước thành viên nổi bật trong ASEAN. Thành viên sáng lập Indonesia đóng vai trò nòng cốt của khối còn Malaysia hoạt động tích cực, có tiếng nói trong ASEAN, đảm nhiệm Chủ tịch luân phiên của khối trong năm 2025.
Cả Jakarta và Kuala Lumpur đều là những đối tác chiến lược toàn diện quan trọng của Tokyo tại Đông Nam Á, được Nhật Bản chuyển giao thiết bị phòng vệ quốc phòng và các trang thiết bị khác trong khuôn khổ Hỗ trợ an ninh chính thức (OSA).
Do đó, chuyến thăm của Thủ tướng Ishiba vào thời điểm này thể hiện sự coi trọng và ưu tiên của Nhật Bản đối với Đông Nam Á, ASEAN trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới. Bằng chuyến công du này, ông Ishiba muốn xây dựng quan hệ cá nhân với hai nhà lãnh đạo Indonesia và Malaysia, tăng cường hợp tác giải quyết các vấn đề an ninh trong khu vực với mỗi nước.
Với Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, thành viên của G20, Nhật Bản đang hỗ trợ nước này gia nhập OECD. Hai nước đang duy trì đối thoại 2+2 cấp Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao - cơ chế tiêu biểu giữa Mỹ và các nước đồng minh thân cận với các đối tác an ninh quan trọng trong khu vực. Chuyến đi đánh dấu lần thăm song phương Indonesia đầu tiên của một Thủ tướng Nhật Bản kể từ tháng 4/2022, thay vì chỉ dự các hội nghị đa phương do Indonesia làm chủ nhà như các hội nghị của ASEAN trong Năm Chủ tịch 2023 của Indonesia hay Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2024.
Với Malaysia, Nhật Bản duy trì phối hợp nhịp nhàng để tăng cường quan hệ ASEAN - Nhật Bản. Hai nước cùng thúc đẩy việc triển khai Kế hoạch hợp tác Midori ASEAN - Nhật Bản; duy trì đối thoại và phối hợp giữa các lực lượng vũ trang, cảnh sát biển; thiết lập và thúc đẩy cơ chế Đối thoại Chiến lược song phương nhằm trao đổi các vấn đề chiến lược, phối hợp ứng phó với các thách thức an ninh khu vực và toàn cầu. Chuyến thăm lần này đánh dấu sự trở lại Malaysia của một Thủ tướng Nhật Bản sau hơn một năm kể từ tháng 11/2023.
Đa dạng hóa giữa bất định
Chuyến thăm Đông Nam Á của Thủ tướng Ishiba nằm trong nỗ lực đa dạng hóa quan hệ với nhiều đối tác trong khu vực, diễn ra trước thềm lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump (ngày 20/1). Dưới thời Thủ tướng tiền nhiệm Kishida Fumio, Nhật Bản dành nhiều nguồn lực thúc đẩy quan hệ đồng minh với Mỹ và hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Hàn. Khi chuyển giao chính quyền, Mỹ nhiều khả năng nhấn mạnh hơn vấn đề chia sẻ chi phí với các nước đồng minh, trong đó có Nhật Bản.
Những năm qua, Nhật Bản đã có những nỗ lực thúc đẩy hợp tác an ninh với các đối tác như Philippines, Hàn Quốc, Australia; đẩy mạnh lộ trình tăng ngân sách quốc phòng; mua tên lửa số lượng lớn… để ứng phó với môi trường an ninh khu vực ngày càng bất trắc.
Sự chuẩn bị chủ động này của Nhật Bản nằm trong xu hướng tìm cách đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại, tăng cường tự chủ chiến lược của nhiều quốc gia trong khu vực trước rất nhiều thách thức an ninh trong những năm gần đây. Khi cạnh tranh nước lớn và tập hợp lực lượng ngày càng phân tuyến phức tạp, một khối trung lập và quản lý được quan hệ với nhiều đối tác đối thoại khác nhau như ASEAN càng có sức hấp dẫn với các nước đang tìm cách đa dạng hóa đối tác an ninh như Nhật Bản.
Khác với người tiền nhiệm Kishida Fumio từng là Bộ trưởng Ngoại giao, ưu tiên các thành tựu chính sách về đối ngoại, ông Ishiba được cho là đang thể hiện cách tiếp cận mới của một người từng là Bộ trưởng Quốc phòng: Tập trung vào các thành tựu về hợp tác an ninh với các nước trong khu vực.
Trong bối cảnh tình hình thế giới dự kiến còn khó lường hơn khi thời kỳ Trump 2.0 đang tới, các nước Đông Nam Á tiếp tục là những đối tác được Nhật Bản coi trọng nhằm giúp tăng cường quan hệ ASEAN-Nhật Bản; phối hợp tốt trong các cơ chế như RCEP, CPTPP, IPEF; cũng như trong việc triển khai OSA, đồng bộ triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Nhật Bản và Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP).
* Nghiên cứu sinh quan hệ quốc tế, Học viện Ngoại giao
Lê Như Mai*
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/thu-tuong-nhat-ban-cong-du-dong-nam-a-cach-tiep-can-moi-cua-tokyo-300227.html