Thủ tướng: Phải nỗ lực để tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025

Thủ tướng: Phải nỗ lực để tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025
4 giờ trướcBài gốc
Sáng 6-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực trong bối cảnh vừa phải tập trung ứng phó với diễn biến của thế giới, vừa thúc đẩy cải cách để tạo nền tảng mới cho phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4. Ảnh: VGP
Nhiều việc cần làm ngay trong tháng 5 và quý II-2025
Theo Bộ trưởng, trong tháng 4, chính sách thuế đối ứng của Mỹ tạo bất ngờ với hầu hết các quốc gia và ngay lập tức ảnh hưởng đến tâm lý doanh nghiệp, nhà đầu tư toàn cầu, tăng trưởng kinh tế, thương mại thế giới.
Trong nước, Việt Nam đã chủ động từ sớm, tăng cường trao đổi, tiếp xúc đa dạng, linh hoạt, hiệu quả. Nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; nhiều chỉ tiêu, chỉ số tốt hơn so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng chỉ ra một số khó khăn, thách thức như mục tiêu tăng trưởng, hoạt động đầu tư, kinh doanh… Sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là về lãi suất, tỷ giá, kiểm soát lạm phát. Việc hoàn thiện thể chế, pháp luật vẫn còn nhiều vướng mắc.
Nhấn mạnh khối lượng, phạm vi công việc trong tháng 5 và quý II là rất lớn, Bộ Tài chính đề xuất một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung làm ngay.
Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, chuẩn bị tốt nội dung tiếp thu, giải trình việc sửa đổi Hiến pháp, các dự án Luật, Nghị quyết, báo cáo, bảo đảm đồng thuận cao khi Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, nhất là các nội dung Chính phủ dự kiến trình Quốc hội bổ sung tại kỳ họp.
Các Bộ, ngành khẩn trương ban hành, trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn Luật, Nghị quyết ngay sau khi được Quốc hội thông qua.
Bộ Tài chính đề xuất một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần làm ngay. Ảnh: VGP
Thứ hai, bảo đảm tiến độ các công việc liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Thứ ba, thúc đẩy đàm phán với Mỹ, đồng thời chống hàng giả, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thương mại hài hòa, bền vững với các nước. Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thứ năm, thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng trong nước và phát triển các động lực tăng trưởng mới.
Tích cực chuẩn bị kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước, quyết tâm khởi công và khánh thành đồng loạt 80 công trình, dự án trọng điểm và tổ chức lễ duyệt binh trong dịp Quốc khánh 2-9.
Triển khai các giải pháp trong trung và dài hạn về hoàn thiện thể chế, pháp luật, thực hiện 3 đột phá, các chiến lược về khoa học công nghệ, kinh tế tư nhân và hội nhập quốc tế.
Cơ hội lớn để cơ cấu lại nền kinh tế
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại phiên họp.
Song Thủ tướng cho rằng, để đạt tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm nay đòi hỏi phải nỗ lực, cố gắng rất lớn do mục tiêu này đang gặp thách thức bởi một số nguyên nhân, trong đó có tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Bên cạnh đó, còn có những tồn tại, hạn chế, như sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là về lãi suất, tỷ giá, kiểm soát lạm phát trước những biến động bên ngoài.
Hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực còn khó khăn, tiếp cận vốn tín dụng còn hạn chế; số doanh nghiệp ngừng hoạt động còn lớn. Các động lực tăng trưởng truyền thống chưa đạt kỳ vọng; các động lực tăng trưởng mới đang ở giai đoạn đầu, cần thời gian để phát huy hiệu quả.
Thủ tục hành chính còn rườm rà; phân cấp, phân quyền chưa triệt để, gây ách tắc và phiền hà cho cấp dưới.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải nỗ lực, cố gắng rất lớn để tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025. Ảnh: VGP
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, khó khăn, thách thức nhiều hơn và rủi ro, bất ổn toàn cầu gia tăng mạnh, nhưng đây cũng là cơ hội rất lớn để cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại và đa dạng hóa thị trường, sản phẩm... đồng thời là cơ hội để tăng cường tính tự lực, tự cường, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Chỉ rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, người đứng đầu các địa phương phải rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, công việc được giao để khắc phục các hạn chế, bất cập.
Ngoài ra, tiếp tục tập trung quán triệt, triển khai quyết liệt các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp.
Tiếp theo, tập trung thực hiện hiệu quả việc sắp xếp địa giới hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, chuyển trạng thái từ bị động sang chủ động phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, cắt giảm thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền; rà soát lại toàn bộ việc phân cấp, phân quyền của ngành mình và đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết về phân cấp, phân quyền, những gì làm được thì làm ngay.
Tổ chức thực hiện hiệu quả “bộ tứ chiến lược” theo 4 Nghị quyết của Bộ Chính trị; khẩn trương trình Quốc hội Nghị quyết và trình Chính phủ chương trình hành động triển khai các Nghị quyết 66, 68 của Bộ Chính trị.
Song, tập trung thực hiện các giải pháp ứng phó chính sách thuế đối ứng của Mỹ, chuẩn bị kỹ phương án, đàm phán hiệu quả với Mỹ. Và khẩn trương ký kết, triển khai các hợp đồng, mua bán hàng hóa với phía Mỹ.
Cùng với đó, thực hiện các giải pháp đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng... Khai thác tốt thị trường trong nước; tăng cường kiểm tra giám sát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Đồng thời, ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tăng cường khả năng tiếp cận vốn theo Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân
Thủ tướng lưu ý, tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp theo Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Cùng với đó, tăng cường quản lý thị trường vàng; các cơ quan khẩn trương trình sửa đổi Nghị định 24 về kinh doanh vàng.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng có biện pháp xử lý nghiêm các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đến 15-3.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng đẩy mạnh thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Ban Chỉ đạo Trung ương, các địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt phong trào thi đua“Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong 2025”.
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị chu đáo, tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm Quốc khánh và Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội nhân dịp này; đặc biệt là chuẩn bị lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành.
Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, chuẩn bị khởi công 80 công trình, dự án lớn trên cả nước nhân dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh.
MINH TRÚC
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/thu-tuong-phai-no-luc-de-tang-truong-tu-8-tro-len-trong-nam-2025-post848180.html