Ngày 20-4 tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã diễn ra Lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII.
Hoạt động do Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, , phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, UBND TP.HCM chủ trì.
Tham dự lễ khai mạc có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được, cùng nhiều lãnh đạo bộ ngành, tổ chức quốc tế, chính quyền các địa phương, sở ngành, đoàn thể, …
Học sinh, sinh viên, thầy cô giáo vui mừng chào đón Thủ tướng Phạm Minh Chính đến tham dự ngày hội khởi nghiệp tại TP.HCM. Ảnh: BTC
Nhiều điểm nghẽn cản trở học sinh, sinh viên khởi nghiệp
Báo cáo tổng kết 7 năm triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (đề án 1665), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi, cho biết sau 7 năm triển khai, đề án đã hình thành và lan tỏa mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp trong môi trường giáo dục; khơi nguồn sáng tạo và phát triển tư duy đột phá trong học sinh, sinh viên; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số và đổi mới phương pháp giáo dục; góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Kim Chi cho rằng thực tiễn triển khai những năm qua cho thấy phía sau những kết quả ban đầu là không ít những lực cản, những “điểm nghẽn”.
Cụ thể, theo bà Chi, khởi nghiệp của nhiều bạn trẻ đôi khi mới chỉ dừng lại ở những ý tưởng mang tính sáng tạo trên giấy, hơn là những dự án có khả năng chuyển hóa thành sản phẩm, dịch vụ.
"Thiếu kiến thức, thiếu trải nghiệm, thiếu kỹ năng mềm – đó là ba “góc khuyết” rõ nhất trong hành trang khởi nghiệp của thế hệ trẻ hiện nay" - Thứ trưởng Kim Chi nêu rõ.
Thứ trưởng Nguyễn Kim Chi
Cạnh đó, tổ chức hoạt động khởi nghiệp còn thiên về phong trào, thiếu chiều sâu. Vì thực tế có rất nhiều ngày hội khởi nghiệp, nhiều cuộc thi khởi nghiệp, nhiều hoạt động khởi nghiệp, tuy nhiên số ý tưởng đã thật sự được tiếp tục nuôi dưỡng, số dự án đã thật sự tìm được thị trường và số bạn trẻ đã thật sự sống được bằng con đường khởi nghiệp rất hạn chế. Nếu không có cơ chế hỗ trợ dài hơi, nếu không có mạng lưới nhà đầu tư, sân chơi khởi nghiệp trong trường học khó có thể đạt được những kết quả mong muốn.
Bà Chi thừa nhận không ít học sinh, sinh viên vẫn e ngại khởi nghiệp vì sợ thất bại, sợ rủi ro, sợ va vấp.
"Điều đó cũng dễ hiểu, khi mà hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp vẫn còn hạn chế, văn hóa chấp nhận thất bại trong xã hội vẫn chưa đủ cởi mở. Bên cạnh đó, hạn chế về nguồn đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến rào cản của khởi nghiệp" - bà Chi thẳng thắn.
Do vậy, Thứ trưởng cho rằng muốn học sinh, sinh viên dám khởi nghiệp, dám đột phá – thì trước hết, cần phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp ở nhiều khía cạnh từ chính sách, môi trường, nguồn lực để nâng đỡ các em.
Bà Chi cũng mong Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đang triển khai hiện nay sẽ tạo ra cú hích lớn cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Đây sẽ là “hạ tầng thể chế” mở đường cho mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, trong đó có học sinh, sinh viên trong hoạt động khởi nghiệp.
Khởi nghiệp cần thần tốc và táo bạo hơn nữa
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành khá nhiều thời gian chia sẻ với đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý và học sinh, sinh viên về ý nghĩa của sự kiện trọng đại mà TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đang trải qua là 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thủ Tướng nhấn mạnh thanh niên Việt Nam luôn nêu cao truyền thống yêu nước, bất khuất, vượt qua mọi khó khăn, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
Từ những nền tảng này, Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực và kết quả đạt được trong 7 năm triển khai Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Nhiều sản phẩm, giải pháp sáng tạo của sinh viên đã được ứng dụng trong thực tiễn, tạo ra giá trị cho xã hội.
Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng kết quả khởi nghiệp hiện nay vẫn chưa tương xứng với thế mạnh, với giá trị đích thực cốt lõi của thanh niên Việt Nam về lòng yêu nước, thông minh, hiếu học, sự sáng tạo, đức hi sinh, vượt qua nghịch cảnh, tương thân tương ái.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khai mạc
Do đó, Thủ tướng một lần nữa khẳng định Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện để phát triển phong trào khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ để tạo thuận lợi cho học sinh, sinh viên khởi nghiệp, đặc biệt về tài chính, sở hữu trí tuệ, kết hợp công tư.
Đặc biệt, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cần phát triển các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, sàn giao dịch ý tưởng, mạng lưới cố vấn khởi nghiệp. Các địa phương, cơ sở đào tạo phải khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển các chuyên đề khởi nghiệp trong chương trình đào tạo; tăng cường kết nối giữa nhà trường, doanh nghiệp và các quỹ đầu tư khởi nghiệp, tạo điều kiện để thanh niên Việt Nam phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển của đất nước.
Thủ tướng tham quan các dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Ảnh: BTC
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ, kinh tế xanh…, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng cần thần tốc, tạo báo và không có giới hạn trong lập nghiệp, khởi nghiệp. Đồng thời, khởi nghiệp cần đi đúng xu hướng thời đại, phù hợp với năng lực,, trí tuệ năng khiếu của mình mới tạo ra sự cộng hưởng, cộng sinh, phát huy hết năng lực của con người.
Thủ tướng cũng thằng thắn nhìn nhận rằng muốn có quốc gia khởi nghiệp thì phải bắt đầu từ mỗi cá nhân khởi nghiệp, không giới hạn độ tuổi, nhất là vai trò của hơn 20 triệu thanh niên Việt Nam. Khởi nghiệp thành công dù rất nhỏ, lợi ích thu về chưa nhiều nhưng là niềm tự hào, là động lực rất lớn về tinh thần, phong trào khởi nghiệp.
“Phong trào nào cũng phải gắn liền giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, vì quốc gia, dân tộc. Chúng ta muốn phát triển bền vững phải tự lực tự cường, đi lên từ bàn tay khối óc, lấy nội lực làm cơ bản, là chiến lược lâu dài, phải quyết tâm biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không quan trọng thành quan trọng, biến cái không thể thành có thể. Có như thế mới có thể bứt phá và đưa đất nước phát triển vững mạnh, vươn tầm thế giới" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Hàng chục nghìn ý tưởng/dự án khởi nghiệp từ học sinh, sinh viên
Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (đề án 1665) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành vào tháng 10-2017.
Kết quả cho thấy, từ 2020 – 2024, đã có 33.808 dự án khởi nghiệp của sinh viên (trung bình mỗi năm có 5.635 dự án). Số lượng các dự án khởi nghiệp của HS THCS, THPT là 8.700 dự án, trung bình mỗi năm có 1.465 dự án.
Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi nguồn do cơ sở giáo dục ĐH ươm tạo từ năm 2020 đến nay xấp xỉ 300 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp khởi nghiệp gọi được vốn từ các nhà đầu tư là 12 doanh nghiệp, số vốn lớn nhất là 1 tỷ đồng/dự án.
Hơn 120 cơ sở giáo dục ĐH đã đưa môn học khởi nghiệp vào chương trình đào tạo, dưới hình thức bắt buộc hoặc tự chọn; hơn 65% địa phương triển khai kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường phổ thông; Ở khối ĐH, 100% cơ sở giáo dục ĐH đã ban hành quy định hỗ trợ khởi nghiệp, hơn 75% trường đã có không gian sáng tạo, 43% thành lập trung tâm khởi nghiệp, và đặc biệt – 100% các trường đều có hợp tác với doanh nghiệp và vai trò dẫn dắt của các doanh nhân.
PHẠM ANH