Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chấm dứt xin-cho, bỏ tư duy 'không quản được thì cấm'

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chấm dứt xin-cho, bỏ tư duy 'không quản được thì cấm'
một giờ trướcBài gốc
Ngày 18-12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Cùng dự có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới hơn 772 điểm cầu trên cả nước với sự tham gia của gần 16.000 đại biểu.
Bỏ tư duy ‘không quản được thì cấm’
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành VH-TT&DL là sự kết tinh quá khứ, hiện tại và tương lai; điểm đến tươi sáng, hấp dẫn của tương lai. Văn hóa là sức mạnh nội sinh của dân tộc; thể thao là sức khỏe của đất nước, con người Việt Nam; du lịch là hình ảnh, sự quảng bá, truyền cảm hứng đất nước, con người, dân tộc Việt Nam ra bạn bè quốc tế, cổ vũ chúng ta xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Văn hóa là sức mạnh nội sinh của dân tộc. Ảnh: TRẦN HUẤN.
Thủ tướng đề nghị quốc tế hóa nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc ra bạn bè quốc tế thông qua văn hóa, thể thao và du lịch; Việt Nam hóa tinh hoa của thế giới liên quan văn hóa, thể thao, du lịch. Điều này có ý nghĩa quan trọng.
Sứ mệnh của ngành VH-TT&DL phải làm việc này bởi ngành là lực lượng xung kích, chủ công trên mặt trận này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, văn hóa muốn phát triển được phải ổn định chính trị, môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; công tác an sinh xã hội được thực hiện tốt với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.
“Chúng ta tự tin làm được những điều này là nhờ có truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng của dân tộc. Chúng ta cũng đang đẩy mạnh ba đột phá chiến lược, trong đó trong đó có phát triển hạ tầng cho văn hóa; tích cực phát triển Chính phủ số, xã hội số, công dân số.
Bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng lên; hoạt động đối ngoại tích cực, hiệu quả, sôi động, nâng cao vị thế, vai trò, uy tín, nâng cao tiềm lực kinh tế của đất nước, biến thành vật chất và tinh thần cụ thể.
Đây là thành tích ấn tượng trong điều kiện kinh tế thế giới hiện nay khó khăn, tổng cầu suy giảm, tăng trưởng giảm hơn năm ngoái”- Thủ tướng nói.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và chúc mừng những kết quả quan trọng mà toàn ngành VH-TT&DL trên cả nước đã đạt được trong năm 2024, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập cần tập trung khắc phục và nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, trong đó nhấn mạnh, bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự ủng hộ và đồng tình của nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế để phát triển ngành để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành theo mục tiêu đã đề ra.
Ngành cần phát huy tính tự chủ, tự lực, tự cường, nắm chắc, đúng và trúng tình hình, phản ứng linh hoạt chính sách, kịp thời, hiệu quả; đẩy mạnh, phát huy những điểm tích cực, phát huy truyền thống, sức mạnh nội sinh của ngành;
Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị; xây dựng được con người đam mê, say sưa, có trách nhiệm, nhiệt huyết với ngành, nhất là người đứng đầu; coi công việc của ngành như công việc của nhà mình.
Hội nhập quốc tế tích cực, chủ động, sâu rộng, phải làm cho người dân được hưởng thụ thành quả của ngành VH-TT&DL một cách thỏa đáng nhất.
Thủ tướng cũng cho rằng, ngành văn hóa phải hoàn thiện thể chế vì thể chế cũng là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, đồng thời là “đột phá của đột phá”, là nguồn lực cho sự phát triển.
Ngành VH-TT&DL cần huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển; giảm thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ với tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", chấm dứt tình trạng xin-cho, bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đột phá, đổi mới cũng phải rõ hướng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) năm 2025. Ảnh: TRẦN HUẤN.
Quản trị ngành VH-TT&DL phải thông minh
Ngành VH-TT&DL phát triển hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch cứng và mềm, kết nối di tích lịch sử, văn hóa du lịch, các thiết chế văn hóa; ứng dụng hạ tầng số; phát triển trí tuệ nhân tạo của ngành, coi trọng phát triển hạ tầng số; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa, thể thao phải có cơ chế, chính sách cho công tác đào tạo, đào tạo từ rất sớm, ngay từ nhỏ.
Thủ tướng lưu ý tuổi thọ cống hiến của ngành thể thao cũng không phải dài, do đó phải có cả cơ chế, chính sách chung cũng như các cơ chế chính sách đặc thù, giữ chân người tài; có những cơ chế, chính sách, chế tài khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, xử lý những người né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Ngành phải chủ động, sáng tạo đề xuất các cơ chế, chính sách.
Huy động nguồn lực cho sự phát triển; nguồn lực chính là từ các cơ chế, chính sách. Nguồn lực tài chính của Nhà nước chỉ là vốn mồi để dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội, của người dân, doanh nghiệp.
Do đó, chúng ta cần phải sửa Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư. Vấn đề là phải có cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực. Ngoài nguồn lực đã có như tài chính, đất đai, con người thì thể chế, cơ chế, chính sách cũng là biện pháp huy động nguồn lực mà chúng ta cần phải suy nghĩ. Muốn phát triển công nghiệp văn hóa và giải trí thì phải có nguồn lực này.
Phải huy động sức mạnh của xã hội, người dân, doanh nghiệp bằng cơ chế, chính sách thì mới phát triển được ngành, mới có ngành công nghiệp văn hóa và giải trí.
Quản trị ngành VH-TT&DL phải thông minh, mà muốn thông minh thì phải có cơ sở dữ liệu của ngành. Do đó ngành phải đầu tư mạnh mẽ trí tuệ thông minh, biến những nguồn lực hiện có thành giá trị gia tăng cao hơn. Xây dựng những điển hình tiên tiến, những cách làm hay, mô hình tốt để tạo phong trào, xu thế để phát triển.
Tạo điều kiện, cơ hội, cơ chế để người dân được hưởng thụ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, hưởng thụ nền thể thao để dân tộc khỏe mạnh hơn, cao lớn hơn; hưởng thụ du lịch tạo ra động lực, nguồn cảm hứng cho dân tộc và bạn bè quốc tế.
Năm 2025, ngành VH-TT&DL phải tăng tốc, bứt phá, kết quả cao hơn năm 2024, với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn; phát huy trí tuệ, bản lĩnh, coi trọng thời gian, quyết đoán, quyết liệt, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Phát triển thể dục thể thao quần chúng theo chiều rộng, phát triển thể thao thành tích cao theo chiều sâu; phát triển du lịch bứt phá thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn phải gắn với văn hóa, thể dục, thể thao. Muốn vậy, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt.
"Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, người Anh hùng Dân tộc vĩ đại, Danh nhân Văn hóa Thế giới đã từng khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Nền văn hóa của dân tộc Việt Nam - với lịch sử hàng nghìn năm - là sức mạnh trường tồn của dân tộc; phát triển thể dục, thể thao là một yêu cầu khách quan, đòi hỏi bắt buộc, góp phần hình thành một dân tộc mạnh khỏe, mang lại sức khỏe cho người dân.; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Vì vậy, ngành VH-TT&DL có vai trò hết sức quan trọng, tác động sâu rộng, mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu, toàn cầu, vừa mang tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ đất nước”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng mong ngành tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng để bước vào giai đoạn mới với khí thế, tâm thế, nguồn lực dồi dào để phát triển.
7 nhiệm vụ trọng tâm để tăng tốc, bứt phá trong năm 2025
Thủ tướng chỉ rõ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới mà ngành VH-TT&DL cần tập trung thực hiện.
Thứ nhất: Tạo đột phá về thế chế theo hướng dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm", kiên quyết loại bỏ cơ chế "xin - cho"; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số…
Thứ hai, đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược, toàn diện các thiết chế VH-TT&DL, cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng kết nối, đặc biệt là hạ tầng số trên cơ sở dữ liệu, trí tuệ nhân tạo.
Thứ ba, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành; có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp cho các ngành nghệ thuật, thể thao; có chính sách giữ chân người tài, động viên người có năng khiếu, đam mê; khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo và xử lý những người né tránh, sợ trách nhiệm.
Thứ tư, huy động nguồn lực cho sự phát triển thông qua cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là hợp tác công tư, lấy nguồn vốn Nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, của người dân và doanh nghiệp.
Thứ năm, nâng cao năng lực quản lý, quản trị ngành theo hướng thông minh, trên cơ sở dữ liệu.
Thứ sáu, xây dựng các điển hình tiên tiến, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, tạo phong trào, xu thế phát triển…
Thứ bảy, tạo cơ hội, cơ chế cho người dân Việt Nam được thụ hưởng thành quả của VH-TT&DL.
VIẾT THỊNH
Nguồn PLO : https://plo.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-cham-dut-xin-cho-bo-tu-duy-khong-quan-duoc-thi-cam-post825585.html