Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Hoàng Thu Trang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, một trong những thành tựu chung của Việt Nam năm nay là kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến đạt khoảng trên dưới 800 tỷ USD; thu hút vốn đầu tư FDI 11 tháng đạt hơn 31,4 tỷ USD, tăng 12,4% so cùng kỳ năm 2023, nhất là giải ngân vốn FDI đạt 21,7 tỷ USD, cao nhất trong nhiều năm vừa qua.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu dự Hội nghị tập trung phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn trong thời gian tới. Cần bám sát, nhận định, đánh giá đúng tình hình, đưa ra giải pháp phù hợp, kịp thời cho năm 2025. Trong năm tới, Thủ tướng yêu cầu phải đạt mức tăng trưởng GDP ít nhất 8% để tăng tốc, bứt phá hơn nữa, một số nơi thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh xác định tăng trưởng lên tới 10%... Do đó, đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các nhà quản lý phải tìm mọi giải pháp để thực hiện.
Ở trong nước đang đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về thể chế để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, giảm chi phí tuân thủ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng về thể chế chính sách, tạo cơ hội cho các thành phần kinh tế phát triển; đột phá về phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược, hạ tầng số, hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, đặc biệt là giao thông để giảm chi phí đầu vào, giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa; đột phá về nguồn nhân lực để tăng năng suất lao động. Tóm lại, phải nỗ lực thực hiện “3 thông”, đó là: “chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh”.
Đại biểu dự họp nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo.
Hợp tác kinh tế trở thành nội dung thiết yếu trong gần 60 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt năm 2024, mang lại các kết quả cụ thể với hơn 170 thỏa thuận hợp tác được ký kết; góp phần làm mới các động lực truyền thống thông qua đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động với các thị trường lớn, các đối tác đầu tư chủ chốt, nhất là khu vực Đông Bắc Á, Mỹ, Ấn Độ (các đối tác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản tiếp tục duy trì tỷ trọng cao trong tổng thể hợp tác kinh tế đối ngoại của ta; lượng khách du lịch Ấn Độ tăng trưởng mạnh mẽ, 9 tháng đầu năm tăng 300% so với trước dịch).
Các động lực tăng trưởng mới cũng được thúc đẩy mạnh mẽ; hợp tác về khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh trở thành nội dung then chốt trong tất cả các hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp. Cụ thể, ký kết với Hàn Quốc 09 văn kiện cấp Chính phủ về hợp tác năng lượng tái tạo, chất bán dẫn, điện tử công nghệ cao; Ấn Độ thống nhất hợp tác khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo rộng mở hơn; UAE, Qatar nhất trí đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số thời gian tới...
Có thể khẳng định, ngoại giao kinh tế đã được thể chế hóa, hệ thống hóa một cách bài bản; có được sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương. Chính phủ đã triển khai hiệu quả cơ chế giao ban định kỳ về ngoại giao kinh tế, cơ chế rà soát, đôn đốc triển khai các thỏa thuận quốc tế đạt được trong các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao.
Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương triển khai các cơ chế trao đổi với các cơ quan đại diện, các hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước. 700 hoạt động ngoại giao kinh tế xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch được triển khai tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; hơn 400 hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư tại các địa phương ở trong và ngoài nước với nhiều hình thức đa dạng, đổi mới…/.
Quý Đôn