Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VGP
Sáng 9/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, chủ trì Hội nghị trực tuyến phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2025 đạt nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước và là điểm sáng nổi bật về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2025 ước đạt 7,96% so với cùng kỳ, 6 tháng đạt 7,52%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2025.
Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 là thách thức rất lớn. Thời gian tới, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn để thúc đẩy tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, để thực hiện 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra: Đến năm 2030 nước ta trở thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Cũng theo Thủ tướng, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định quan tâm đúng mức cho phát triển giao thông đường sắt, triển khai xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM, giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông.
Đặc biệt, Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định mục tiêu phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu đến năm 2045 nước ta là nước phát triển có thu nhập cao. Vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, các hành lang vận tải chính Đông -Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn…
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh báo cáo về tình hình triển khai các công trình, dự án. Ảnh: VGP
Các công trình, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt mới có đặc thù làcó quy mô, tổng mức đầu tư rất lớn, yêu cầu cao về kỹ thuật, đặc biệt đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam.
Với đặc thù đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 609/QĐ-TTg ngày 15/3/2025 thành lập Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt và Quyết định số 24/QĐ-BCĐĐSQG ngày 17/3/2025 ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo để tổ chức triển khai các dự án đường sắt.
Tại Phiên họp lần thứ hai, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo đã có Kết luận (tại Thông báo số 213/TB-VPCP ngày 4/5/2025), trong đó chỉ ra 3 nhiệm vụ trọng tâm, giao 48 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương để tập trung thực hiện, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Các bộ, ngành, địa phương và các thành viên Ban chỉ đạo đã rất trách nhiệm tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao…
Về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương triển khai công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới, sinh kế mới ít nhất bằng và tốt hơn nơi cũ.
“Công tác giải phóng mặt bằng tốt, chuẩn bị dự án tốt thì triển khai sẽ tốt, còn giải phóng mặt bằng ách tắc, tái định cư trục trặc thì công việc sẽ ách tắc. Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tối đa nguồn lực, tháo gỡ mọi nút thắt, điểm nghẽn, vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành các nhiệm vụ được giao”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nguyệt Hà